Lìn Dí

Lìn Dí

Điệu về tay dấu chùm bông
áo ni xám vạt chiều hong buồn về
phạm thiên thư

Lúc đó là cuối tháng hai năm 1993. Tính từ 1988, TQ đẩy mạnh chính sách mở cửa đến lúc ấy được năm năm.  Chiến tranh biên giới Việt Hoa cũng đã qua được mười bốn năm.

Công nhân mỏ than

Cùng thời gian đó, vì từng có dịp ra vào TQ làm việc khoảng năm 82-83, và có chút kiến thức thực tế về cơ chế xã hội TQ, anh được chuyển về nhiệm sở tại Hong Kong nên có dịp ra vào TQ nhiều lần để tận mắt nhìn những thay đổi lớn lao và những hệ quả rất phức tạp.

Lần ấy, anh đi từ Hong Kong qua Quảng châu bằng Train, rồi có xe từ Quảng châu đưa đến Trạm Giang, dự tính sau đó từ Trạm Giang qua Nam ninh,  rồi ngày sau quay lại Quảng châu, về Hong Kong.

Trên đường từ Trạm Giang qua Nam Ninh, giờ ngừng xe ăn trưa, anh gọi điện thoại cho POC (điểm liên lạc) thì nghe nhắn:

– Ê, Có cha nào tên Jean Piere làm bên Unicef (Quỹ Bảo Trợ Nhi Đồng LHQ) ở Nam-ninh nghe nói ông vô TQ chuyến này, gọi nhắn ông là hắn có người bạn, một tu sĩ người Việt gốc Hoa tên Lình Dí, ở Than Khoáng, dưới gần chỗ Đại động đó, cần giúp đỡ gấp chuyện gì, kêu ông rán chạy xuống thử xem …

– Giúp cái gì!?

– Không biết, hắn chỉ nhắn bên văn phòng attaché như vậy!

– Jean có nói nó đang ở đâu không?

– Chả xuống Bành Tường, tuần sau mới về.

– OK!  Anh gác máy, than trời trong bụng.  “Thiệt là bỏ thì thương mà vương thì tội…”  Công tác của anh lần này, chính là liên lạc với một người tại BTL Nam Hải Hạm Đội ở Trạm Giang, rồi về càng nhanh càng tốt chứ không phải lòng vòng ở đây lâu.

 

Mót than

Muốn uống thuốc liều, và cả thuốc lì, để “giúp người dưng” trong những đất nước như TQ cũng gặp nhiều rắc rối lắm.  Cơ chế hành chính không rõ ràng, luật pháp bất minh, hệ thống quản lý kiểu đầu Ngô mình Sở của cái gọi là các nước đang phát triển (developing nations) như TQ thời đó, (cho đến tận bây giờ), thì làm việc gì cũng rất vướng mắc, nhiêu khê như đường qua đất Thục, dài dòng như một vở cải lương, rồi rốt cục có khi không đi đến đâu.  Nhưng nếu mình bỏ qua không giúp thì lại cứ canh cánh trong lòng.

” Mẹ, thiệt tình …” Anh nhăn nhó nghĩ thầm, rồi gọi cho nhiệm sở Hong Kong, hẹn hai ngày nữa mới trở về được.  Xong quay qua nói tài xế là sẽ thay lộ trình, không về Nam Ninh mà đi Bắc Hải ngủ qua đêm để mai xuống Đại Động, làm cứu tinh cho một ông thầy chùa!

Jean là người bạn Pháp anh quen từ vài năm nay, trong một lần có tiếp tân trong sở ở Hong Kong.  Tay này dân Greenies, quần áo xuyền xoàng, ăn chay, miệng mồm hết sức nhỏ nhẹ nhưng cương quyết.  Anh ta làm việc cho cơ quan Unicef, văn phòng ở Nam ninh.  Công việc của Jean, theo anh là đã khó, mà chàng còn cái tật ưa vác ngà voi.  Gặp chuyện gi trái tai gai mắt là chàng nhào dzô liền.  Đôi khi nghe bạn kể lể về những việc ăn cơm nhà lo việc hàng tổng của Jean mà anh nghĩ là cha này kiếp trước phải là người Tàu, và phải làm chuyện gì tội lỗi lắm nên bây giờ phải chịu lăn lóc trả nợ lại cho xứ Tàu.

Vài lần trước, Jean nhờ anh làm những công việc giúp cho những người Việt gốc Hoa có hoàn cảnh quá sức khó khăn (và khó gỡ) tại thôn quê TQ mà chàng ta gặp trên đường công tác khắp vùng thuộc Tỉnh Quảng tây.  Anh vui vẻ làm.

Vì bạn thì ít, mà vì các nạn dân thì nhiều, anh thường nghĩ “Thì mình suốt kiếp cũng là một người tị nạn, là một nạn dân.  Ngươì Việt gốc Hoa, chớ gốc tre, gốc ổi, hay gốc ..mít thì anh cũng giúp như thường, “so ra cũng là bầu bí một giàn với mình thôi”.  Lần này, nghe Jean nhắn, anh nghĩ chắc cũng như mọi lần vậy.

Những chuyện giúp đỡ gì đó đối với anh cũng chỉ là mất thì giờ đi tìm hiểu hoàn cảnh nạn nhân cho cặn kẽ, rồi nghĩ cách dùng các “quan hệ” để giúp tháo gỡ. Chủ trương và chính sách mở cửa làm giàu của ông Đặng Tiểu Bình thúc đẩy sự hội nhập, giao tiếp nhanh chóng giữa các thế lực bản địa và giới kinh doanh quốc tế.  Bọn anh qua đó cũng có được nhiều “đường dây”.

 

Hắc nhân

Trong xã hội CSTQ, tất cả mọi chuyện trong đời sống đều dựa trên “Guan Shi”, chữ Hán Việt đơn giản là quan hệ, nhưng ý nghĩa thì không đơn giản chút nào.  Nó bao gồm một mạng lưới quyền lực, quyền lợi, của hàng ngàn phe phái, vây cánh, thế lực trong đảng. Có quan hệ đúng, thì chuyện gì cũng xong, không có quan hệ đúng, thì đừng hòng làm gì hết.

Thế lực kinh doanh bản địa, nói cho oai và có vẻ kinh doanh vậy chứ gồm toàn các công ty quốc doanh của nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy địa phương,  còn phía quốc doanh quân đội thì ban lãnh đạo là cấp Quân ủy của các Quân khu.  Dĩ nhiên phe quân ủy có thế lực quan hệ lấn lướt hơn phe đảng ủy địa phương mọi mặt.

Tối đó ăn cơm xong, anh đi bộ dọc theo bờ kè của xóm chài Bắc Hải dạo mát, suy nghĩ bâng quơ về người mình sẽ gặp ngày mai.

“Mẹ, cha Jean này hay thiệt, bảo trợ nhi đồng mà sao lại đâm sầm vào ông thầy chùa Tàu, kỳ vậy ta … Mà Lình Dí là ai, à, chắc là ông thầy chùa nào tên Di Linh gì đây.

Cũng không chắc đó là một ông Thầy chùa, “Cha! Nếu gặp một ông Thầy pháp, tay cầm đạo bùa, tay bắt ấn, bắt nhốt con ma nào đó vào cái hồ lô, rồi dán bùa lên, lắc nó quay mòng mòng trong đó ….thì còn dzui nữa à!”, anh liên tưởng đến ông Thầy Tàu “pụng pự” trong tập chuyện bằng tranh “Con qủy nhập tràng” của hoạ sĩ Nguyễn Thọ năm xưa.

Sáng hôm sau, anh trực chỉ huyện Đại động.  Đất Nam Hoa rộng lớn vậy mà chỉ có vài con đường chính là rộng rãi, có tráng nhựa hẳn hòi, còn như phải đi vào các con đường nhỏ hơn để vào vùng thôn quê thì rất thảm não.

Than Khoáng, là tên của một cái làng nghèo mạt rệp có cỡ một ngàn dân, ở ngay bên ngoài một cái mỏ than nhỏ, heo hút nằm sâu trong những núi đồi trùng điệp của khu vực Đại động.  Tiếng Trung quốc gọi mỏ than đá là Than Khoáng (khoáng trường than). Anh đoán, chắc vì nghèo quá, nên dân làng khỏi cần hoa hoè hoa sói, lấy chữ Than Khóang làm tên làng luôn cho tiện.

Trước đây, cũng như các mỏ than khác trong tỉnh, Than Khoáng là một trại trừng giới. Trước thời CS thì đó là trại tù khổ sai các phạm nhân có án lưu đày.  Từ ngày Mao chủ tiệm chiếm được Trung Nguyên, thâu gồm thiên hạ, thì những nơi này tập trung các cải tạo viên nam phụ lão ấu đủ các thành phần được kích nâng thành trí phú điạ hào, công nhân, sinh viên, lãnh tụ các bộ tộc thiểu số Hakka, Choang, Di …đã được vinh dự ghép cho cái nhãn phản động, hay phản cách mạng.

Họ khai thác mỏ bằng cuốc xẻng và bắp thịt.  Đảng lại có quan tâm đặc biệt đến việc sản xuất than đá thật nhiều, cung ứng cho các xưởng luyện sắt thép phục vụ kế hoạch “Bước nhảy vọt kinh tế” nữa, nên dân số tù kia ngày một giảm xuống.

Kinh tế không chịu nhảy vọt mà tù chết mau hơn số được bổ sung vào khoáng trường, dân số tù xuống gần đến mức báo động có hại cho chỉ tiêu sản xuất thì may quá, kịp thời cách mạng văn hóa rộ lên, mỏ lại được đông vui như trước.

Thảm não đúng là tâm trạng của anh và người tài xế người TQ.  hai người chạy từ sáng sớm đến gần trưa đứng bóng mà chưa đến.  Vì không có đường, xe phải chạy thẳng xuống Phòng Thành vòng qua bao nhiêu là đường đèo xuyên sơn lâm.  Tính đường chim bay chắc chừng tám mươi cây số thôi, mà bọn anh phải hò dzô ta đi gần hơn ba trăm cây số lên đèo xuống dốc, vòng vo tam quốc.

Lên đến đỉnh ngọn đèo cao nhất, có cái quán cơm nằm bên vệ đường cho xe vận tải, anh kêu tài xế ngừng lại ăn trưa. Dầu đói bụng, và anh khuyến khích người tài xế cứ kêu dùm luôn những món mà hắn khoái khẩu.   Nhưng anh thực tình hối hận sâu xa sau khi nhìn màu bầm bầm có lợn cợn bã cỏ của dĩa lòng dê xào mướp khía, và mấy cọng lông mỡ màng hấp dẫn trên cái vú dê hầm của tô bát bửu được bưng ra.   Anh bèn nhã nhặn mời người tài xế cầm đũa, còn anh thì cầm chai nước khoáng ra cái gốc cây xế bên cửa quán nhìn xuống núi rừng chung quanh.

Cảnh vật rừng nối tiếp rừng phía trong nắng quái buổi trưa vàng xao xác, dưới kia là một bức tranh ảm đạm, bi tráng .  Lẫn khuất trong các lùm bụi dày đặc, um tùm dưới dốc núi vang lên vài tiếng dê kêu ngơ ngác, lạc lõng trong nắng trưa.  Anh bâng khuâng mường tượng ra một người Việt Nam, đang sớm chiều kinh kệ khổ hạnh trong một góc tối của cuộc đời.

Sau bữa trưa, chiếc xe lại lồng lên chạy nghiêng ngã  qua những hố hầm, và đổ dốc liên tục.  cuối cùng thì nó cũng đến chỗ quẹo gắt cánh chỏ, vào con đường dẫn vào khu khóang trường.

Thông thường ở các mỏ than xứ này, sau khi khai thác than lên khỏi miệng giếng mỏ, người ta bơm nước rửa cho sạch than, trước khi cho lên xe chở đi giao.  Làm vậy là vừa phòng hoả, vừa là phương cách gian lận có môn bài, rất sáng tạo, nhằm tăng trọng lượng, đạt chỉ tiêu đảng giao trong dây chuyền kinh tế bao cấp.

Nước thải, gồm vụn than và các tạp chất khác được tháo linh láng ra ngoài bằng một con lạch. chảy lượn lờ theo những chỗ trủng, rồi tuôn đại ra một nhánh sông nào đó. Cũng tiện, khỏi mắc công suy nghĩ cách xử lý sao cho khỏi ô nhiễm vừa nhức đầu vừa tốn kém, nhìn từ trên cao còn thấy hữu tình nữa là khác!

Chưa kể, làm ẩu tả vậy, còn nuôi sống được bao nhiêu người.  Người dân Hắc nhân (2) chung quanh mỏ sinh sống bằng cách quanh năm suốt tháng dầm mưa dãi nắng, bán lưng cho Trời, dầm mình xuống con lạch xúc lớp đất đá cát sạn ở đáy lạch, dùng rổ lớn đãi ra mót nhặt lấy vụn than, bán cho các tay thương lái tư nhân để làm than quả bàng, than dĩa dùng để đốt lò.  Đời sống của họ đích thực là một đời sống kiệt quệ, bần hàn, cơ cực.

Toàn bộ đất đai khu mỏ than và cả đất đai trong làng đều màu đen nhẽm vì bị phủ một lớp vụn than dầy cộm.  Nhà cửa thì bụi và mụi than đóng dầy lớp lớp, cũng đen đủi như vậy luôn.

“Trời đất! Từ trên cao nhìn xuống coi đẹp như một bức tranh thủy mạc, một cái làng nhỏ nằm cạnh con nước lượn lờ giữa một nền xanh thẫm bao la, mà xuống đến đây rồi thì sao …hắc ám quá vầy nè trời!” Anh nghĩ thầm.

Chỉ thời gian gần đây, khi các thành phần phản động đẻ con không kịp để cung cấp phạm nhân cho các mỏ than, và sau khi Mao chủ tịch mang bệnh giang mai cùng giấc mơ cách mạng vô sản lìa đời thì đảng ủy mới cải biên chút đỉnh, tuyển mộ một số thanh niên lên các khoáng trường làm thợ mỏ.

Xe vừa quành vào đầu con đường làng, chưa kịp gì hết, thì con nít đàn bà trong các căn nhà lụp xụp hai bên đường túa ra bao kín chiếc xe.  Chớp mắt, cả trăm người, mặt mũi lem luốc, cười nói lô xô, gây thành một đám náo nhiệt.

Tài xế người phương Bắc, quen miệng, hỏi bằng tiếng Madarin.  Cả chục cái miệng hăng hái đáp trả, mà cả tài xế lẫn anh cũng không hiểu gì luôn!

Hình như họ rán dùng tiếng Madarin đối đáp, mà chỉ biết nói lõm bỏm, nên họ phải pha trộn cả tiếng Quảng, và tiếng Hakka vào, hóa rối lên như vậy.  Qua lại vài câu, tự nhiên đám đông đổi thái độ hung dữ, có mấy bà nói gọng mỗi lúc mỗi to lên, mắt long lên sòng sọc.

Chỉ nghe lổn nhổn pha trộn, văn hóa Khổng Mạnh trộn chung với văn chương đầu gấu, tiếng được tiếng mất  “Đ..éo mẹ kiếm người gì!?  Cái mày tham quan, được ăn yên ngủ no còn chưa chịu muốn, lại muốn đi kiếm chuyện hại người …”  “Nè, …vu cáo giết người đâu được, giết mạng đền người đó nhen, tụi tui sợ mấy người đâu đó” . “..Muốn hại người là thí mạng tụi này đó, đây chịu thua bọn mày mấy người đâu!…”

“Trời, gì mà ghê vậy!  Chắc không xong rồi!”  Anh rên thầm trong bụng, ” Lạng quạng dám phải ca bài Võ Đông Sơ giữa chiến trường thọ …c án búa lắm à!”

Anh bước ra khỏi xe, hỏi đại bằng tiếng Quảng:

– Nè, nè, chào các vị, xin vui lòng bình tĩnh, ông tài xế người Trùng Khánh chứ không phải người Bắc kinh. Mà ổng có vợ người Ngọc Lâm, Quảng Tây, ở đây lâu rồi. Chúng tôi chỉ muốn kiếm người chứ không có ý gì khác…

Đám đông ồn rộ lên:

– Ồ, ông này nói tiếng mình nè!  …

– Ông này dân mình, dân bản địa nè, …

– Ờ .ờ,..không sao, không sao, tụi tui tưởng mấy thằng Bắc Kinh, dân Láo Quỷ (1) tới đây đa sự, chứ ông thì không sao … tiên sinh muốn hỏi gì hả !?…

Hú hồn! Dân vùng quê ở Nam Hoa, mà lại dân bần khổ cùng cực, đến mức bị đày ải trong cái xó rừng này, sinh nhai bằng cách đi đãi vụn than, mỗi ngày kiếm được một hai nhân dân tệ để sống qua ngày thì họ còn sợ gì nữa!  Còn gì để mất đâu mà sợ!  Người nào cũng mang trong lòng mối trường hận với chính quyền, quan chức phương Bắc. (Tuy họ thất học, nhưng nhìn thấy của cải kinh tế,, mùa màng thu hoạch xong lại kìn kìn chở lên phía Bắc, thì đâu có cần đi học mới biết!)

Và cùng tâm lý đó, ai nói tiếng Quảng, âm ngữ điạ phương, họ đều cho là “người mình”, được đối xử tử tế hơn nhiều.

(Có lần, ở Quảng châu, anh ra phố, ghé vô cái tiệm tạp hóa nhỏ tìm mua đôi dép lào.  Chủ tiệm đon đả giới thiệu một loạt: ” Loại đơn giản này là ba tiền, loại cao đẳng này là bảy đồng một đôi, loại có các nút áp huyệt này là mười đồng, …anh mua thì tôi bớt cho … “

Đang lúc, có một ông ăn mặc tươm tất, áo sơ mi bỏ trong quần, bước qua thấy, ghé vào hất hàm, dùng tiếng Quan thoại hỏi lớn, giá loại cơ bản bao nhiêu.  Chủ tiệm mặt đang vui vẻ bỗng sa sầm:

– Hai chục.

– Sao mắc vậy!?

– Ờ, mắc vậy đó, tức hông!? Mắc thì mày về xứ của mày mà mua dép cỏ cho rẻ.

Ông đó đỏ mặt, quày quả bỏ đi.  Chủ tiệm quay qua anh phân trần:

– Đéo mẹ nó, thằng chó ở Bắc kinh làm tàng.  Tui buôn bán nhưng biết nhìn người lắm tiên sinh à, mình với mình thì sao cũng được, chớ thấy nó nói Quan thoại giọng Bắc kinh, lại mang cái khóa nịt cán bộ là tui ghét rồi!…

Người dân ỏ đô thị, ăn nên làm ra, có hưởng tí sái của “kinh tế mở cửa”  mà còn ghét dân phía Bắc như thế, hà huống chi những con người được đảng ưu ái quan tâm cho ở suốt kiếp ở cái làng Than Khoáng lem luốt này!)

Anh ôn tồn hỏi dân làng:

– Dạ tụi tôi muốn hỏi thăm trong làng có ai biết một ông thầy tu tên là Lình Dí hay không ..!?

Họ nhao nhao:

– Lình Dí!? Là ai vậy cà!? …

– Trước thời Mao tiên sinh thì có thầy tu, bây giờ thì không …

– Thầy tu!? Làng này làm gì có ông thầy tu nào tên Lình Dí hả. Làng này chỉ có bọn dân Hắc nhân là tụi tôi đây thôi …

– À, chắc tôi nhầm, vì tôi đi kiếm một người nạn kiều (3) tên Lình Dí mà người ta nói là ở làng Khoáng Than nên đến đây hỏi đó …

– Nạn kiều!? Để tui chỉ anh đến hỏi bà này, cũng là nạn kiều đó, làng này còn có mình bả là nạn kiều…  À mà anh nói cha đó tên gì!?  Lình Dí hả!? …Ồ! không phải đâu! Đó là Lìn Dí ông ơi!

– …!?

Người khác chen vào, hóng hớt giải thích:

– Lìn ngẫu ke lìn, a Dí ke Dí, hầy Lìn Dí, tiu na cô cảo xô à nị!
(Liên ví như liên ngẫu, Dì ví như là bà dì, là Dì Liên, đèo! Cuộc tiệc sai ráo rồi ông ơi!) (4)

Anh chưng hửng:

– Ôi trời, vậy làm ơn chỉ chỗ cho tôi đi gặp Lìn Dí đi nha, để tôi xem có đúng người không …

Gần chục cánh tay chỉ lên phía dốc:

– Nị theo đường này, leo lên cái dốc, tới đầu dốc, ngó trật bên tay phải, có cái nhà đất lui trong mé rừng chừng trăm thước là nhà Lìn Dí đó đó.

– Chỗ ngó qua cái nhà thương đó, Lìn Dí dám ở, chớ tụi tôi thì không…

Xe lui ra, và bắt đầu chạy rà rà lên con dốc, đám người dạt ra, đám trẻ nít la om sòm:

– Dậu dzành lấu Lìn Dí a, dậu dzành lấu Lìn Dí a…
(Có người kiếm Dì Liên, có người kiếm Dì Liên …)

Nghe loáng thoáng có tiếng hai người đàn bà trong đám đông nói : ” Hôm trước có xe quốc tế tới kiếm, bây giờ còn có người trên Nam Ninh về tìm, sao Lìn Dí quan hệ tới xa dữ vậy kìa ..”  “Người có học thì quan hệ phải rộng chớ!…Ngu như bà thì chỉ biết suốt ngày cãi nhau với tui là giỏi thôi á!”

Anh bật cươì lý sự của hai bà nhà quê, và nghĩ vậy là đúng người rồi. Xe quốc tế là xe Unicef của tay Jean chứ còn ai vào đây nữa!

Đến đúng cái nơi người ta chỉ đường anh vẫn còn ngỡ ngàng.

Nhà thương, bên này con đường đất, là một căn nhà kho ba gian đổ nát, xiêu vẹo, có hàng chữ  cũng …xiêu vẹo, hoen mờ nhếch nhác:”Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Than Khoáng”  Hàng chữ này lại dược kẻ đè lên một hàng chữ còn nghiêng ngã, mờ mịt hơn nữa, gần như không đọc được : “Y viện Giải Phóng Quân …”   Anh ngao ngán lắc đầu nghĩ đến thời đó, “Mẹ,… Y viện kiểu này …khoẻ mà vào Y viện này thì trở ra là có ba chục thứ bệnh, còn bị thương  thì khiêng vào cửa trước rồi chạy thẳng ra cửa sau, đổ ụp xuống lổ lấp đất luôn chớ Y viện cái nỗi gì !”

Còn căn nhà bên kia đường, dưới con lộ nhỏ ngó lên, thấy nhỏ xíu, lợp lá nứa, thấp, nằm trên con dốc, giữa một khu vườn nhỏ, trước sân có trồng vài luống hoa, đứng giữa sân là một cái trang thờ nhỏ, (trong Miền nam VN gọi là cái bàn ông Thiên). Từ xa, coi tới coi lui có vẻ là một túp lều cỏ của kẻ ẩn cư tr ên một cù lao vùng đất Hoà Hảo ở Việt nam, hơn là một cái chùa.

Anh ngẫm nghĩ “Trời, bà ni cô nào chịu chơi dữ, chạy qua tận cái chỗ hẻo lánh này, trốn đời đi tu, đạo hạnh dữ vầy nè!”

Ngó quanh ngó quất, không có đường lên đó, nên anh dặn tài xế lui xe xuống dốc kiếm rượu uống (!), một mình men theo con đường đất, quanh co len qua các bụi cỏ lau và cỏ ống cao quá đầu, đi lên hướng đó.

Lên đến lưng dốc, quay lại nhìn xuống, anh nhận ra là anh đoán đúng, sau lưng cái Y viện Giải phóng quân là một bãi tha ma rộng lớn, đầy dẫy chi chít gò đống những mộ hoang!  cảnh tượng thê lương quá . Hèn chi mà lúc nãy mấy người dân làng nói Lìn Dí dám ở đây, còn bọn họ thì không dám! Anh cảm khái nói trong lòng: “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô!”

Bước vào trong sân không có ai, ngó vào trong nhà, cũng không thấy ai luôn, anh gọi lớn:

– Lìn Dííí …!

– Ngọ hẩy hầu pui lí tù, mòng kúng tí ma, diu mách a!? Mãi làm dzụy diu tẳng dzách chành, hủ ma!?
(Tui ở phía sau nè, bận tay chút, muốn gì!? Mua chao thì đợi chút được không!?)

Anh bật cười,  “À, bà ni cô này còn kinh doanh tương chao lậu gì nữa nhen!”,  đi vòng ra phía sau, thấy có trồng đậu, bắp, cải, mỗi thức một thửa nhỏ xíu, trông xinh xinh …

Nối liền hậu liêu có cái chái thấp lè tè, ngổn ngang những đồ đạc dùng để sản xuất đậu hủ miếng, mấy ghè tương chao gì đó, và một người đàn bà đang lúi húi xay đậu nành nơi cái cối xay bằng đá đẽo, đặt nơi góc chái.

Anh nói tiếng Việt:

– Phải dì Liên không!?  Tôi trên Nam ninh xuống, Jean Piere của Unicef nhắn tôi xuống kiếm …

Dì Liên quay lại, ngước lên nhìn anh rồi xô ngang cái cần cối xay, lấy ống tay áo quẹt mồ hôi trên trán, nói dồn dập:

– Mô Phật! Chao ơi, anh là người Việt nam hả…, Răng!? Anh ở mô mà biết anh Jean rứa,…chao ơi, anh lên nhà trên ngồi chơi xí đi …

Trước mặt anh là một thiếu phụ trạc ba mươi, da sáng, đầu cạo, nhưng tóc đã ra ngắn ngắn, khuôn mặt đẹp vẻ hiền hậu, nhưng hơi ốm, và xanh xao một chút.  Dì mặc y phục màu lam, cái áo vạt hò lụng thụng tiêu biểu của những người đi tu theo đạo Phật. Nói giọng Huế nhỏ nhẽ, nhẹ nhàng.

Anh đâm lúng lúng:

– Dạ, thưa Sư Cô, thưa Dì …

Dì cười hồn hậu:

– Anh cứ kêu tui là dì Liên đi, ở đây ai cũng kêu tui rứa quen rồi, mà tui tu thì cũng nguyện trong lòng mà tu, cũng như cư sĩ rứa, chớ xứ này có chùa chiền Thầy Tổ chi mô, kêu tui bằng sư cô tui mang tội chết!

Dì xăng xái dẹp vài thứ ngổn ngang rồi đi trước.  Anh theo Dì bước qua “nhà dưới”, là một phòng xép nhỏ, đi lên “nhà trên”.  Dì thò tay lấy cái áo tràng móc trên vách phòng xép, cũng màu lam, khóac bên ngoài cái áo vạt hò, rồi lúi húi pha trà. Trông Dì bây giờ mới thực giống một ni cô.

Anh nhìn chung quanh căn liêu.

Gian bên phải này có bàn thờ Phật, nhang đèn và một bìnhh hoa trắng, xem khá tươm tất, sàn có trải chiếc chiếu nhỏ để cúng lạy, bên cạnh bàn thờ, chỗ anh đang ngồi, là một chiếc bàn ghỗ và bốn chiếc ghế cũ kỹ nhưng sạch sẽ.

Bên kia bàn thờ Phật là tủ kệ, trên nóc có một bàn thờ nhỏ thờ ảnh hai người nữa mà anh đoán là cha mẹ hay ông bà của Dì. Dưới các ngăn kệ sắp ngăn nắp, là các sách vở tiếng Anh, tiếng Pháp và kinh điển Thiền tông, xuất bản ở Đài loan.

– Mời anh uống nước trà…

– Dạ, cảm ơn Dì, tôi tưởng gặp ông Thầy Tàu bên Việt nam qua đây, đi khất thực mà nhắm mắt nhắm mũi tụng kinh, làm đổ thớt thịt, bị công an trói hai tay, cùm hai chân, khảo đả, kềm kẹp chi, nên lật đật đi kiếm, ai dè gặp rồi thì thấy một ni cô nói giọng “chi mô rứa răng hè” thôi hả!?

– Dạ, anh Jean thấy tui gặp khó khăn với chánh quyền, sợ có chi, nên biểu tui xin đi Pháp hay Mỹ, tránh đi, mà tui không muốn rứa, anh à …

“Hmm … Lại cũng là khó khăn với chính quyền nữa!  Mẹ, cái nước Trung Quốc này Vĩ Đại ở chỗ áp bức hơn một tỉ dân của họ, chưa đủ sao, còn ăn hiếp luôn một ni cô Việt nam là sao ta! …” Anh nhíu mày, rồi hỏi Dì Liên:

– À, Dì không muốn tránh đi, vì khổ dài dài quen rồi, nếu sướng bất thình lình, sợ chịu không nổi hả!?

– Không phải rứa anh ơi, tui giờ có một chắc, đi mô cũng không thấy vui sướng chi …Tui đọc trong kinh sách đại ý nói là phúc họa do nghiệp, vui khổ do tâm, …

Anh cười, ngắt lời Dì Liên:

– Dạ, Dì khoan thuyết pháp đã, Dì kể cho tôi nghe vì sao mà Dì có khó khăn với chính quyền mà phải tính chuyện đi lánh nạn nè!?

– Khi anh Jean xuống huyện này tui giúp anh Jean thông ngôn tiếng Anh, mà anh Jean là người Pháp nên tui cũng hay nói chuyện với anh Jean bằng tiếng Pháp …

Dì Liên nhỏ nhẹ kể chuyện.  Anh ngồi nghe mà  có cảm giác mỗi điều được Dì nói ra là một nét màu tối, vẽ bức tranh của đời Dì, một bức tranh toàn là nghịch cảnh.

Cho đến cuối tháng tư 1975 thì Dì Liên vẫn là một nữ sinh học chương trình Pháp ở trường Bác Ái, gia đình Dì buôn bán, sung túc.  Ngoài việc học cho giỏi, mang phần thưởng về nhà mỗi năm, Dì chỉ còn biết học dương cầm, đọc đủ loại sách báo Âu Mỹ và loại “lứa tuổi thích ô mai”, ăn diện kiểu sao cho đẹp, a go go, để cặp kè, “làm le” với chúng bạn cùng lớp.

Rồi chiến tranh Miền Bắc xâm lược Miền Nam đến hồi kết cục.  Bi đát, tang thương dập dồn.  Ba mạ Dì không chạy được, nhưng hy vọng rằng “mình là dân thường thì chắc không bị chi mô”.

Gia đình của Dì, trong trận đánh tư sản mại bản, họ bắt nhốt rồi …tiện tay đánh chết luôn ba của Dì ngay trong tù để việc tịch thu tài sản được dễ dàng.  Mẹ Dì điên đảo, hoảng loạn, dắt Dì đi trốn lánh nhiều nơi, sau lén gởi Dì theo gia đình một người bạn Hoa kiều về Trung Quốc trong đợt bài Hoa và chiến tranh với Trung cộng 1979.

Qua đến TQ, hằng trăm nghìn người Việt gốc Hoa và một số đông những người Việt nam như Dì được Ban Kiều Vận an bài đưa về những mỏ than như ở đây, hoặc những đồn điền cao su quốc doanh tuốt bên đảo Hải Nam.

Những nạn kiều gốc gác miền nam VN, có tiền của lén mang theo được, sau khi kinh hoàng nhận  ra sự “đãi ngộ tốt” của mẫu quốc là như vậy, liền tung tiền ra mãi lộ, tìm mọi cách lên Bắc Hải, rồi thuê ghe chài lén chở qua Hong Kong, “tị nạn đợt hai”, sau đó xin đi định cư tứ xứ.

Việc này diễn ra khá dễ dàng vì TQ không muốn cưu mang số nạn kiều đông đảo này, vừa tốn kém, vừa là một cái mầm tai họa, vì khi đến TQ họ mang theo đồng hồ, radio, quần áo, phong cách sống của bọn tư bản Miền Nam Việt Nam, quá khác với sự tuyên truyền bấy lâu của đảng.

Còn những người nạn kiều đi từ phương Bắc Việt nam, không tiền bạc thì đa số “được nhập cư” vào các làng mỏ than như làng này, sự “đãi ngộ” duy nhất mà họ được hưởng từ chính phủ TQ, hơn hẳn dân “Hắc nhân”, là một chân thợ mỏ, hay một tay cạo mủ, ngày hai buổi lây lất một cuộc sống tối tăm cho đến suốt kiếp.

Dì Liên không thuộc hai thành phần trên.  Lúc gia đình người bạn của ba mạ Dì có mối dẫn lên Bắc Hải thì Dì đau.  Vừa sốt rét, vừa thương hàn, Dì nằm liệt giường.  Họ đành mang Dì gởi cho một nhà dân trong làng, chia cho Dì một số tiền, rồi ra đi.

Sáu tháng sau đó, khi Dì bắt đầu ngồi dậy, ra khỏi giường được bằng chính đôi chân của mình thì Dì được hai mươi hai tuổi, cân nặng hai mươi chín ký lô da xương, tóc rụng sát da đầu, một tiếng Tàu bẻ làm đôi cũng không biết nói, toàn phải ra dấu với Bà Lâm, một Hắc nhân, là người nhận cưu mang Dì. Và lúc ấy, Hong Kong cấm cửa tị nạn Việt gốc Hoa từ TQ, việc trốn qua đó gần như vô vọng.

Bất tác bất thực, không làm lấy gì ăn.  Bà Lâm ngày ngày đi đãi vụn than, phần Dì đem chút vốn liếng còn lại, chiên bánh rán bày ngoài cửa nhà bán cho con nít trong làng.  Dân nghèo rớt mồng tơi như làng Than Khoáng thì bán bánh rán chỉ chọc thèm con nít chứ ai có tiền cho con ăn quà vặt, dù mỗi cái bánh chỉ có năm xu Nhân dân tệ.

Bà Lâm bàn với dì dẹp bánh rán, đi mua rau cải, muối dưa bán thử.  Thứ dưa muối bằng bùn đỏ mà người ta thích ăn. Một cân năm hào.

Mua bán cũng đỡ đỡ.  Sau, có người bày cho cách làm tương, chao.  Dì mua đậu nành về tự làm từ đầu đến cuối.  Mỗi cục chao cũng hai phân tiền, mỗi muỗng tương (tầu xì) cũng hai phân tiền, người trong làng mang tô, chén đến mua.

Voilà! Từ đó Dì có kế sinh nhai.

Anh hỏi:

– Trời ơi, tưởng Dì đi tu rồi kinh doanh tương chao luôn thể, ai biết Dì mở hãng tương chao trước rồi mới sẵn đà tu luôn hả !?

Dì ngước lên nhìn tấm ảnh trên bàn thờ nhỏ cạnh bàn thờ Phật, mắt Dì chợt u tối lạ thường:

– Qua đến đây, ba năm sau tui mới liên lạc được với người bạn ba tui bên Pháp, khi nớ mới hay là mạ tui đã mất rồi.

Mẹ Dì Liên đi vượt biên chung với một bạn hàng cũ người Việt gốc Hoa một năm sau khi Dì ra đi nhưng bị chìm ghe giữa biển.  “Việt cọng họ đòi làm giấy tờ hiến nhà cửa, lấy vàng bạc của người Hoa xong xuôi, đưa ra ghe lớn, nói để cho đi vượt  biên, mà họ đặt chất nổ trên ghe để bịt miệng luôn anh ơi!”

Dì Liên điên lên và bị khủng hoảng trầm trọng.  Dì đã nghĩ đến việc tự tử nhiều lần.  Nhưng nhờ bà Lâm mà Dì còn sống.

Cha bà Lâm, một địa chủ ở vùng duyên hải Phòng Thành, cao bay xa chạy trong đợt CSTQ cải cách ruộng đất, nghe nói đang ở vùng Sông Mao.  Mẹ con Bà ở lại bị đấu tố, bà Mẹ bị giết chết, người con được đưa lên Than Khoáng, trở thành Hắc nhân. (2)

Bà kể cho Dì nghe.  Trước khi bị án lưu thân biệt xứ suốt đời tại làng Than Khóang, bà đã bao lần bị biếm nhục, vì cái tội có cha “chạy theo tư bản” .

Họ nhốt mẹ con vào rọ heo rồi khiêng đi khắp làng rêu rao. Sao khi chán với trò này họ mang hai cái rọ heo ra sông trấn nước, chỉ kéo lên khi hai mẹ con bà tái nhợt, bụng trương lên như cái trống.

Nhiều đêm họ vào trong khám đường lôi mẹ bà dậy và hãm hiếp ngay trước mặt bà, “cho đáng kiếp vợ con cái bọn địa chủ cường hào, tay sai của  đế quốc, chạy theo tư bản, phản bội nhân dân!”.

Tất cả chỉ chấm dứt khi mẹ bà Lâm không chịu nổi đoạ đày của nghệ thuật đấu tố, phải cắn lưỡi tự tử.  Sau đó họ cột dây vào cổ bà chung với nhiều người khác, dong đi theo đường núi lên đến đây.

Bà nói với Dì Liên, ” Không biết sao, lúc đó tôi mới mười một tuổi, nhưng tôi quyết phải sống còn.  Khi tôi nhìn thấy cô nằm liệt giường sắp chết, tôi nghĩ đến hoàn cảnh tôi đã kinh qua mà chịu nhận cưu mang cô, vì tôi muốn cô cũng như tôi, mình không thể xuôi tay chịu chết, phải vượt qua, phải quyết sống cho hết đời mình, cô à.  Không thì bọn người muốn bức tử đời mình, họ sẽ thắng.

Dì Liên nghe lời bà Lâm, thôi ý định tự sát.  Nhưng cũng từ đó Dì tu. Ở Trung quốc bấy giờ thì không cho sinh hoạt tôn giáo, không có chùa chiền, tu viện, nên Dì vẫn sống chung một nhà với bà Lâm  Mọi sinh hoạt đời thường vẫn vậy, chỉ thêm ăn chay trường và niệm Phật.

“Tất cả các thức này,” Dì dùng ngón tay vẽ một vòng chung quanh, ý nói là hoàn cảnh tu hành của Dì hiện nay, căn liêu, và cái vườn nhỏ, “Đều mới có chừng ba năm nay thôi anh ơi!”. Từ ngày bà Lâm mất.

Dì làm giấy nhượng căn nhà đổ nát của D ì, do bà Lâm để lại, cho con rể ông chủ tịch thôn, đổi lấy miếng đất rẻo trên đồi thấp này, thực ra là đất núi cằn cỗi vô chủ, đối diện với cái trạm xá quân y cũ thời 1945, tiếng đồn nhiều ma qủy rùng rợn lắm, nên không ai dám héo lánh.  Dì Liên tự xây căn liêu, khoảnh vườn …mọi thứ chung quanh. Nhờ bã đậu nành vun bón hoài mà vườn giờ trông cũng xanh tốt.

Dì tiếp tục sinh nhai bằng cách bán sỉ tương chao, dưa muối cho chủ tiệm chạp phô trong làng để họ giao sỉ tiếp lên chợ huyện. Thì giờ còn lại, Dì chuyên tu.

Nhưng rồi oan trái tiếp tục theo đuổi Dì sau ngày Dì gặp Jean.

Chính phủ TQ có chính sách mỗi gia đình chỉ được sinh một đứa con, nên sinh ra con gái người ta buồn lắm.

Người thường dân, nếu sinh ra đứa con thứ nhì, bị phạt vạ hai mươi lăm ngàn nhân dân tệ và bị cắt hộ khẩu.

Ngoài ra nếu người vi phạm là viên chức nhà nước thì còn bị lột chức, đuổi việc.

Mức phạt này so với lương trung bình của công nhân, viên chức nhà nước là hai trăm nhân dân tệ mỗi tháng thì người vi phạm dù là dân hay viên chức thì chắc chắn cũng sẽ trở thành Hắc nhân mạt rệp thôi.

Nhiều người mang trẻ gái sơ sinh đi quăng bỏ không thương tiếc.

Nhiệm vụ của Jean, làm cho Unicef, là tìm cách can thiệp vào tình huống đó để cải thiện bằng nhiều cách.

Phần lớn, anh đi xuống tận các xã thôn cùng với các viên chức y tế của huyện để khuyên người ta đừng có sinh đẻ sai chính sách.  Còn nếu sinh ra con gái thì nên nuôi nấng chứ đừng giết chết rồi quăng bỏ.  Thậm chí, nếu muốn bỏ thì liên lạc với Unicef để họ mang về nuôi tại cô nhi viện ở Nam ninh, là cô nhi viện duy nhất trong một tỉnh có dân số gần bảy mươi triệu người.

Nhưng với tập quán nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô (Một trai là có, mười gái cũng bằng không), lại thêm cái chính sách khống chế dân số theo cách quái đản phi nhân đó, khiến cho chẳng mấy ai đồng tình với sự can thiệp của cơ quan quốc tế như Unicef.  Hằng chục ngàn trẻ thơ bị sát hại đều đều.  Jean chiến đấu gần như vô vọng, chàng Đông ki sốt jean Piere múa may tất bật với cái cối xay gió Trung Quốc Vĩ Đại. Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.

Jean gặp Dì Liên tại y viện huyện khi Dì theo giúp một bệnh nhân người Hắc nhân lên đó chữa bệnh cổ trướng.  Sau đó, khả năng thông thạo Madarin, Cantonnese và Hahka, cộng Anh, Pháp ngữ của cô bé nữ sinh Bác Ái ngày nào giúp Jean và dân trong huyện hiểu được nhau và hợp tác với nhau chút đỉnh.

Một lần, vào đúng cái ngày Dì Liên theo Jean đi lên khoáng trường để meeting với thợ mỏ, thì người ta cũng phát giác ra tử thi một bé gái sơ sinh trong xe goòng rác của mỏ than từ hồi khuya.

Jean nghe chuyện, động lòng, kéo Dì Liên qua trạm xá để nhận cái xác đi chôn cất dùm.  Trong buổi meeting, qua lời phiên dịch của Dì Liên, Jean nêu lên rằng đây là một trường hợp điển hình của những hậu quả phức tạp và phi nhân của việc quan hệ bừa bãi, thiếu trách nhiệm.

Chuyện đó là thường.  Chuyện ly kỳ là cái mỏ than có ba chục người thuộc ban lãnh đạo, và sáu trăm thợ mỏ, toàn là đàn ông, đại số nghèo cu ki, không có tiền cưới vợ, thì ông nào có khả năng …lưỡng tính, quan hệ với … ông nào !?  Xong đẻ con, rồi quăng vô thùng rác đây!?

Nào ngờ, ngay sau đó, đám thợ mỏ phát giác ra diệu kế của ông chủ tịch Huyện.

Ông này lo mất chức, nên tính trước, cứ mỗi lần bà vợ mang bầu gần đến ngày sinh thì ông tuyên bố là vì ông bận rộn công tác phục vụ nhân dân, nên ông đưa vợ về quê sinh nở có thân nhân chăm sóc được dễ dàng.  Thực ra, ông đưa bà, và một bà mụ, lên trạm xá mỏ than, nơi thằng em ông làm giám đốc.

Dự kế trên cả tuyệt vời của ông là, nếu sinh ra đứa bé trai thì ông sẽ đưa về nhà đốt pháo ăn mừng, nếu là gái thì đàn em của ông sẽ bóp mũi, mang vứt bỏ ngoài bìa rừng.  Ở huyện, ông sẽ sụt sùi tuyên bố là vì bà vợ sinh khó, đứa trẻ đã mất, chôn ở quê ông.

Cái trạm xá cà tàng nằm trong một góc hẻo lánh trong cái khóang trường mênh mông, chỉ có hai người y công cho sáu trăm thợ, mà không có thuốc men gì, nên hai tên này chỉ có nhiệm vụ xuất hiện làm biên bản khi có tai nạn ứ nước, sập hầm, cháy nổ, người chết đã mang lên ở cửa giếng xuống mỏ.  Chả ai buồn héo lánh đến trạm xá. Kế hoạch của ông Chủ tịch quá an toàn rồi.

Trời bất dung gian.  Lần này bổn cũ soạn lại bị ngắc ngứ.  Lúc bà Huyện vừa sinh đứa con ra, bà mụ hốt hoảng hô lên “Là gái nữa rồi bà ơi!”.  Bà huyện thất vọng, tặc lưỡi, rồi lật đật cuốn gói, hối bà mụ lên xe trở về phố huyện trước năm giờ sáng.

Hai thằng y công hơ hỏng ngủ quên, mang xác đứa nhỏ ra bìa rừng không kịp, sợ bị thợ ca sáng bắt gặp nên mang dấu vào dưới đáy một xe goòng chứa rác.  Khuya hôm đó, thợ mỏ ca đêm kéo cái xe gòong rác đi đổ thì xác đứa bé trồi ra.

Người ta nói bà vợ ông chủ tịch Huyện xui xẻo khó sinh kiểu đó đã ba bốn lần rồi, lần này đến lượt ông khó đẻ ra câu trả lời trót lọt với các đối thủ chính trị của ông.  Tin đồn khắp Huyện, họ báo lên tỉnh.  Phen này ông chắc phải nhường chiếc ghế chủ tịch huyện cho tay phó rồi.

Đám công an, đàn em ông Chủ tịch Huyện phái lên mỏ than, nói là điều tra việc ai bỏ con ở đó, mà thực ra là để dò la xem ai dám “chơi Xếp lớn”, thì có kết luận khác. Họ đề quyết là tụi Qủy Lão (5) Unicef gặp chuyện bữa đó, báo cáo lên tỉnh nên mới phá hỏng thâm kế của Xếp chứ cho ăn kẹo tay phó chủ tịch cũng chả dám lớn gan vậy.

Họ súng ống đằng đằng kéo đến làng Than Khoáng kiếm Dì, chỉ mặt Dì tuyên bố là nếu ông Chủ Tịch Huyện bị giáng chức, thì họ sẽ truy sát Dì về tội a tòng với Qủy Lão Unicef.

Ở thôn quê TQ, người nào vô phước là kẻ thù ông chủ tịch huyện, ông vua của một triệu người, thì đây là án tử hình giam hậu.

“Bữa đó…”, Dì co người trên ghế làm vẻ sợ hãi, “…nếu dân Hắc nhân trong làng không gậy gộc dao búa xúm đuổi bọn họ đi thì bữa ni tui không gặp anh được mô!”

Đến bây giờ thì anh hiểu ra vì sao lúc nãy những người dân Hắc nhân dưới dốc làng có thái độ hung dữ với anh và người tài xế.  Họ ngỡ anh lên đây kiếm Dì để tra xét, hay bắt bớ Dì.

– Rồi giờ  Dì nghĩ sao, tôi liên lạc yêu cầu người ta báo cáo trường hợp của Dì với UN HCR (Cao ủy Tị nạn LHQ) ở Hong Kong, thì có thể họ cấp qui chế tị nạn cho Dì, sau đó, Mỹ hay Pháp có thể nhận Dì…!?  Như cách đó quá chậm,  thì  tôi nghĩ cách khác …

Dì xoay lưng, nhìn xa xôi ra cảnh rừng trước cửa , đáp không suy nghĩ:

– Khi anh Jean Jean nói để kiếm cách thì tui cũng nghĩ rồi.   Mà …thôi nữa anh nợ, tui cám ơn anh, chừ tui cũng không biết nếu như anh giúp được cho tui thì tui đi làm chi, có còn thân nhân chi nữa mà đi tìm.  Vui, khổ do tâm, phúc họa do nghiệp, tui ở đây hơn mười năm nay cũng quen rồi….

Anh hơi nhớm lưng, nghiêng người qua phía Dì:

– Nè, Dì khoan thuyết pháp thêm chút nữa được không!?  Xứ này, Dì biết rồi, tụi quan chức dã man lắm, nó nói giết là nó giêt chớ không phải nó hăm chơi đâu, Dì không biết sợ sao!?

– Anh ơi, tui biết sợ chớ, và bao nhiêu lần tui sợ lắm lận.  Đời tui quá oan trái, quá đau khổ nên đụng đâu tui sợ đó, tui đã từng sợ đủ thứ hết. Tui nguyện tu hành cũng vì tui quá sợ đó. Nhưng bây giờ tui nhận ra lời dạy trong kinh là đúng, anh à:  Vui khổ do tâm, phúc họa do nghiệp, bặt ý, quên lời thì thấy đạo, là thấy được sự thật đó.  Khi thấy được sự thật thì mình không sợ gì nữa, cái sợ hắn tan biến đi như bóng tối gặp bình minh rứa …

Anh ngó Dì rền rỉ:

– Chịu thua Dì luôn rồi, tôi chưa biết do tâm, do nghiệp, hay do cái gì mà tôi biết chắc là tôi thua là do Dì cứng đầu á!  Nghe Dì nói kiểu này riết, chắc tôi cũng cạo đầu qui y luôn quá! …

Dì cười, nhìn anh, vẫn an nhiên, thở nhẹ ra, rồi cúi đầu, nói tiếp:

– Thôi, cứ coi cái xóm này là gia đình tui, cái khu mỏ than này là quê hương luôn rứa cho xong.  Tui bây giờ đắp đổi qua ngày, rán tu, cho hắn qua cái kiếp này cho khoẻ!

Anh nghe vậy, biết là lòng Dì đã quyết.  Anh cũng chợt hiểu, Jean nhờ anh đến đây hôm nay cũng chỉ là một hy vọng sau cùng. Và anh thất bại.

Túng thế, ngẫm nghĩ, anh mượn cây viết, ghi lại tên và số điện thoại của một người ở Nam Ninh, rồi đưa cho Dì.  Anh bùi ngùi nói:

-Dì ơi, Dì muốn sao cũng được, tôi hy vọng rồi họ sẽ ngừng tay, không hại Dì nữa.   Dù sao, đây là điện thoại liên lạc.  Bất cứ lúc nào Dì có chuyện chi cấp thiết, xin Dì tìm cách liên lạc số này, hay nhờ bất cứ ai gọi dùm cũng được, chỉ cần nói tên Dì ra, thì người này biết phải làm gì rồi. Và dù tôi không có ở đây, người ta cũng sẽ báo cho tôi hay.

Dì cầm tờ giấy nhỏ xếp lại, với tay kẹp vào cuốn sách trên kệ.

Chiều xuống nhanh.  Anh đứng dậy, Dì Liên cũng đứng lên theo.  Dì nói như người vừa tỉnh ngủ:

– Coi nì! Trà nguội cả rồi…Anh không uống miếng nước đã! …

– Không sao, trà dành cho người đạo cao đức trọng, tôi uống trà, phải uống hai lít chớ không uống bằng cái tách, người ta nói là ngưu ẩm, là trâu uống trà, coi ốt dzột lắm… Dì nè, lần tới gặp nhau, tôi giúp xay đậu, Dì nấu dùm sữa đậu nành, thì thì tôi uống hai lít!

Dì cười:

– Được, gặp lại người thân mà, tui xay đậu, tui nấu, đãi anh sữa đậu nành…

Nghe hai tiếng “người thân” tự nhiên anh xót ruột.  Hai người Việt gặp nhau chừng nửa buổi chiều, trong một hoàn cảnh trớ trêu, giữa chốn thâm sơn cùng cốc, rồi… “thân” thì cũng lạ.  Mà anh cũng lạ.  Tự nhiên anh cũng cảm được mối thân tình của Dì Liên. Phải chăng là sự dục dã đánh thức trong sâu kín tâm hồn mình, một chân tình hoài vọng cố hương, khi mình gặp một con người cùng quê cha đất tổ.

Hai người lững thửng đi xuống con đường dốc nhỏ, ngoằn nghoèo.  Gió se se lạnh.  Anh đi sau, nhìn cái vóc nhỏ nhắn, nghe lời nói cam đành của Dì, lòng anh không dưng cảm động trào dâng mà không biết nói gì.  Ngó quanh, thấy hoa sim và hoa trang rừng hai bên đường đang rộ, anh nhảy vào trong bụi hái vài cụm, cột thành một bó nhỏ, mang ra đưa cho Dì.  Nghĩ sao, anh nghiêng mình, kiểu cọ:

– Từ tấm lòng của người bạn tâm giao …

Dì đưa hai tay nhận bó hoa, giọng nhẹ như hơi thở:

– Cám ơn anh…

Dì cúi xuống nhìn bó hoa, cánh mũi động khẽ, như thưởng thức hương hoa, rồi Dì đột ngột ngước nhìn anh, ánh mắt thoáng nét điệu đàng.  Lấy ngón tay chỉ vào mấy đóa hoa Trang mầu vàng, Dì nói:

– From a friend at heart, these flowers are for the mutual respects,
(Từ một người bạn tâm giao, hoa này là lòng tôn kính nhau …)

Rồi Dì chuyển ngón tay qua mấy cánh hoa sim tím ngát, nói tiếp:

– And these are for the ever tender loving care …Right!?
(Và hoa này là lòng thương mến nhau hoài,… Đúng không!?)

– Right!,   Anh nói nhỏ.

Đến chỗ xe đang mở máy chờ, anh nhìn thẳng vào mắt Dì:

– Dì ở lại bình an nghe Dì.

Dì Liên nhìn anh, môi run run, ngắt quãng, chỉ để nói mấy tiếng:

– Dạ, … anh đi mạnh giỏi.

Nói rồi Dì quay nhanh, bước chầm chậm lên con dốc nhỏ, về hướng căn liêu.  Vạt áo lam phất phơ luyến gió heo may, như khuất, như tan trong màu chiều xám nhạt.  Một tay Dì vuốt tà áo phía trước, một tay thả xuôi theo thân mình, lòng bàn tay vẫn nâng chùm hoa anh gởi.

Ánh nắng le lói buổi chiều tàn gần như chiếu ngang thẳng mặt anh, tạo nên một viền sáng mong manh, lóa chung quanh dáng Dì Liên đang đi lên con đường dốc thoai thoải lên đồi.

Bất giác, trong tâm tư anh không thấy hình ảnh Dì Liên là một ni cô an nhiên tịnh mặc, mà thấy một người con gái Việt nam cô lữ, có nghị lực phi thường, đang cố vượt lòng đau, từng bước đi tới bằng con tim vô úy, rời xa nhân thế tình thường, vẫy tay vĩnh biệt xuân thì.

Oki
COB Speicher
2/2011

—————————————————————
Ghi chú:
(1) Láo Quỷ: Dân lai căng, từ nơi khác đến. Dân chúng TQ phía Bắc đất khô trồng lúa mì, nghèo sát da, hoặc dân vùng Tứ Xuyên bị đuổi đi để xây đập thủy điện Three Gorges, mấy chục triệu người, phân hóa lưu cư, ùa tràn về vùng Nam Hoa kiếm kế sinh nhai bị gọi là Láo Qủy.

(2) Hắc nhân, là những người bị tước đoạt quyền làm người trong xã hội CS từ khi Mao chủ tiệm túm chính quyền đến giờ.

Họ không có hộ khẩu.  Nghĩa là không được phân chia nhà ở, không được tham gia hợp tác xã làm nông, không được mua phân phối bất cứ một phẩm vật gì của nhà nước, dù thiết yếu như dầu, muối cũng không luôn!  Con cái nếu muốn đến trường, thì dù là bậc tiểu học trường làng cũng phải trả học phí mỗi tháng tương đương với một tháng lương công nhân, mục đích là để cấm cửa mọi hình thức cải thiện cuộc đời, mọi hy vọng tiến thân, của toàn bộ con cháu, dòng họ của người ấy luôn thể.

Họ bị loại ra khỏi xã hội CSTQ, và họ không giết sạch, mà cố ý chừa lại vài người để làm gương, trong một mục đích lớn hơn, là răn đe mọi người khác trong xã hội đừng mơ màng chống đảng.Cho sống, mà phải lê lết, như một kiểu trả thù dai thâm độc của Hán Tộc, đày đoạ “kẻ thù giai cấp” phải chết lần mòn trong bần cùng, nhục nhã.

Nếu cần so sánh, thì xã hội Việt nam ở Miền Bắc trong trận Cải cách ruộng đất 1945, và bao nhiêu trận khác, từ đó đến giờ, cũng đâu có chịu thua em kém chị:

“Trông người rồi gẫm đến Ta
Đảng ta còn ác bằng ba đảng Tầu”

(3) Nạn kiều: Những người bị CSVN đừa lên biên giới trục xuất qua biên giới gọi là nạn Kiều.  Những người này thực ra phải đút lót cho Công CSVN để “được” trục xuất trong đợt bài Hoa và Chiến tranh biên giới với TQ năm 1979.

(4) Họ phải nói “ví như vầy…” “ví như khác…” vì tiếng TQ, đặc biệt là tiếng Quảng, có quá nhiều chữ đồng âm dị nghĩa, nếu không được nhìn chữ viết thì lắm khi cũng khó hiểu là người ta muốn nói gì, nhất là nói đến tên họ.  Chẳng hạn như một người nói tên tôi là Châu Kim Phan, nghe không khéo sẽ hiểu là Trư Cấm Phạn (heo (bị) cấm (ăn) cơm), vì chữ Châu và chữ Trư đều đọc trại là Chí.í..ú!

(5) Người Tây phương, da trắng, gọi là Quỷ Lão.

(6) Ghi chú hậu truyện :
Sau khi đến Nam ninh, anh nghĩ ra một cách khác giúp Dì Liên khá đơn giản.  Anh nhờ người có “Guan-shi” (quan hệ thế lực vây cánh) bên Quân Ủy tỉnh “nhẹ nhàng khuyên bảo” Chủ tịch Tỉnh đừng giáng chức Chủ tịch Huyện, vì lý do không đủ bằng chứng.  Mối thù hiềm của họ đối với Dì Liên còn đó, nhưng Dì tạm thời thoát nạn truy sát của bọn ác bá địa phương.

February 12, 2011 - Posted by | * Oki, * Truyện

6 Comments »

  1. Xin cho tôi gửi vài câu thơ cảm tác sau khi đọc Lìn Dí, truyện ngắn thật đặc sắc của anh OKI. BP

    lưu lạc thuở tóc còn xanh
    sang miền đất dữ cũng đành biết sao
    mới hay tâm Phật nhiệm màu
    của người tu ở đất nào cũng tu

    Comment by bắc phong | February 12, 2011 | Reply

  2. Cám ơn anh OK với câu chuyện về Lìn Dí, nhờ đó mà AT cũng biết thêm về hoàn cảnh bất hạnh của một nạn nhân chế độ cọng sản.
    Tránh trời không khỏi nắng, Dì Liên chạy đâu cũng không thoát khỏi nanh vuốt loài quỹ. May là Dí đã “ngộ” ra…khi tuổi đời còn rất trẻ.
    Đọc đến câu cuối ” vẩy tay vĩnh biệt xuân thì” cứ thấy rưng rưng trong lòng. Cầu cho Dí mãi sống trong an nhiên tự tại.

    Comment by NDAnhTrinh | February 13, 2011 | Reply

  3. Phật trong lòng ngươì đi..Ơn anh Oki.

    Comment by phù chí phát | February 13, 2011 | Reply

  4. Cám ơn anh Bắc Phong, NDAnh Trinh, và anh phù chí phát rất nhiều nha, chúc mọi người một ngày valentine trọn vẹn. Oki.

    Comment by Oki | February 14, 2011 | Reply

  5. Anh Oki mến,

    Đọc Lìn Dí mà tưởng chuyện hoang đường! Ko ngờ đời người lại có thể trôi dạt như thế. Một người con gái Việt lại sang sống tại một nơi hẻo lánh, nghèo khổ bên Trung Cộng! Cuộc đời thật lạ lùng anh OKi nhỉ. Anh là người may mắn đi khắp nơi, gặp những chuyện mà mình tưởng ko thể xảy ra trên cuộc đời này. Đọc Lìn Dí mới thấy những khó khăn mình gặp phải trong đời chỉ là hạt cát so với nhiều cuộc đời khác mà mình ko biết đến, Lìn Dí là một điển hình.

    Cám ơn anh Oki thật nhiều về câu chuyện cuả Lìn Dí.

    Vui khổ do tâm, phúc hoạ do nghiệp. Một triết lý rất hay.

    Comment by Hi-Yên | February 15, 2011 | Reply

  6. Một cuộc đời bất hạnh ,một cáu chuyện khiến người ta cảm động ,tôi đã nhiều lần rơi lệ khi đọc truyện này,tác giả OKI có cách viết rất hay và đầy ắp chân tình ,tôi ngưỡng mộ người con gái đầy nghị lực trong truyện và ngưỡng mộ tác giả .

    Comment by Như Ý | February 5, 2013 | Reply


Leave a comment