An Phú Vang – Tiểu Triệu Minh

Tiểu Triệu Minh

Ngày di tản tưởng Triệu Minh lặn mất tiêu như thành phố quen, ngôi trường trung học và… Bình Dân Thư Quán. Sao lại là chỗ cho mướn truyện này? Lạ thật! Bình Dân Thư Quán góc ngã ba đường Hùng Vương và Nguyễn Thị Giang có gì mà tôi nhắc đến, nhớ hoài dầu đã qua hơn nửa vòng trái đất. Trong đầu lúc nghĩ đến truyện võ hiệp là nhớ đến cái quán sách không lớn hơn tiệm sách Sông Đà nhưng là cái thư viện vĩ đại của ấu thời tôi. Nơi đó Vô Ky. – Triệu Minh, Nhậm Doanh Doanh – Lệnh Hồ Xung… tha hồ tung hoành trong tưởng tượng. Có bữa lai rai với Trung hai anh em nổi hứng ngồi bàn chuyện bia Budweiser rồi sang đám hảo hán gặp nhau rượu uống ngàn chung cóc say! Hai đứa tôi mỗi thằng “dzô” một thùng 12 lon là lăn quay; ngày mai thức dậy hà hơi men bia còn nồng. Nói một lúc hai đứa lọt sang phim bộ… Đến truyện Kim Dung tôi phun ào ào từ Võ Lâm Ngũ Bá cho đến Lộc Đỉnh Ký. Và võ công học hàm thụ Kim Dung của tôi chỉ có thế, vừa đủ làm “du đãng con nít!” Nội lực tôi chưa tới mười hai thành để bảo vệ Triệu Minh năm 2000: Tiểu Triệu Minh!
Lý do gì tôi gọi “hắn” là Tiểu Triệu Minh? Không biết nữa! Trong hai tên gọi thương nhất còn nhớ thì Tiểu Cô Nương có người mang đi mất. Không phải xuôi ngược giang hồ trong nước Mỹ rộng mênh mông này mà về ở ẩn bên con sông Santa Ana bốn mùa nước cạn. Với chồng! Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mà:

Khi Lệnh Hồ Xung cầm tay Doanh Doanh hỏi
Anh đã cù lần không biết nói yêu em

Nên từ đó đi Bắc về Nam và giang hồ lia chia. Mỗi lần qua phố cũ nhớ lắm… Mà thôi!
Tôi ghiền đọc e_mail như ghiền cà phê… thiếu áo! Không có chịu không được. Nhưng có nhiều quá vào những hôm bận rộn thì tối tăm mặt mũi. Tôi quen thân với “hắn” qua e_mail; nhận ra giọng “hắn” qua voice mail sau lần vui vui gọi vào sở bệnh ngày thứ hai để đi chơi! Xếp nghe giọng khàn khàn của tôi vào buổi sáng vừa thức dậy chưa đánh răng rữa mặt tưởng tôi bị cúm. Nếu ông gặp tôi giang hồ vặt dưới Bolsa chắc dám “f. you” lắm. Bữa đó tôi gặp “hắn” đang đứng mua nước mía. Thấy con nhỏ xinh xinh tôi liếc hoài “đồng tiền trên má người ta”. Bị nhìn dữ quá cô nương quíu tay rớt ly nước mới mua. “Hắn” kênh tôi:
“Ê, đền lại nước mía đây!”
Tôi ngạc nhiên nghe câu nói ngang ngược. Nhìn nó. Cà lăm!
“Đâu phải tại tui.”
“Để chị làm ly khác cho em.”
Bà chủ quán xen vào. Thằng Thành cồ, em tôi làm bán thời gian nơi đây, bỏ máy tính tiền, cười cười nhìn “hắn”. Con nhỏ nghinh tôi.
“Em làm ly khác cho chị ngay. Ly này không tính tiền. Free refill nước mía!”
Tôi thầm phục nó. Cái thằng từng đánh lộn với du đãng Hải Phòng trong những chuyến chở hàng ra miền Bắc học đâu mà lanh quá. Hèn gì con bé nào ở Hà Nội tìm vào ở nhà bố mẹ tôi cả tháng. Bà cụ phải bảo chú Út đi tìm anh về để hỏi “có thương con người ta không thì về cưới. Tội nó.” Lúc này câu nói đùa học được từ In-Out Burger của Thành cồ giúp tôi. Nó đưa ly nước mía khác cho cô nhỏ. Con bé lí nhí chẳng biết cám ơn ai nhưng đi một hơi sau cái nguýt dài về phía tôi. Bà chủ quán phá lên cười.
“Em trả tiền ly nước cho cô ấy đây chị. Ở đó mà free refill nước mía. Một là tiệm này mất tên ở Bolsa hai là nguyên khu này không có chỗ đậu xe!”
Thành cồ xen vào đưa tôi tờ báo.
“Chị đó xinh đó anh. Có số điện thoại, e_mail trong tờ này. Chỉ làm việc ở NorthWest Airlines…”

Từ đó tôi biết Tiểu Triệu Minh. Và cũng từ đó tôi “chai mặt” ngồi chờ trong bãi đậu xe dưới Bolsa để nhìn con bé. Thỉnh thoảng tôi gọi vào sở để nghỉ vì… bệnh. Gác điện thoại thì khoẻ ngay và “theo em xuống phố”. Xếp tôi nó rầu lắm nhưng tình đang hành nên tôi chấp. “Từ đạo đó anh đâm ra lười biếng*” và tìm đủ cách để xuống Bolsa. Thằng Tiểu Vô Kỵ tôi bắt đầu láu cá từ ngày trở về đất liền. Tôi nghĩ cứ đà này mình có quyền đứng sau Tiểu Triệu Minh một chút về xạo! Lời nhắn của con nhỏ trong máy một ngày đã làm tôi mừng hơn tuần lễ. Nghe lui nghe tới hoài cở chục lần tôi đâm thuộc và mê mẫn cái giọng Bắc pha Nam này. Thôi cứ gọi là Bắc Kỳ sinh trong Nam đi như thằng anh sinh đôi với tôi thường gọi ai đó trong thơ nó làm: “Em Bắc Kỳ sinh trong Nam. Hành anh khốn khó thành hoang mang tìm…” Và tôi mê giọng nói của con nhỏ quá trời. Mê tàn bạo! “Tiểu Triệu Minh nhớ đại ca…” đoạn cuối của lời “hắn” nhắn lại trong máy nghe chết người không. Từ đó: “Em cười tủm tỉm và quên. Ngày đôi khi nặng đá mang qua đời.”

Thế là tôi tưởng tượng lung tung. Đến một lúc tôi tự làm giám khảo chấm thi hoa hậu, cho Tiểu Triệu Minh hơn Triệu Minh của Kim Dung nửa điểm. Chừng đó đủ rồi. Tiểu Triệu Minh thừa thắng xông lên lấn luôn Tiểu Long Nữ và Nhậm Doanh Doanh trong bản chấm điểm của thằng nhỏ dại gái. Nó giống như thằng Vô Kỵ lần đầu thấy tiểu thư nhà họ Võ trong rặng núi Trường Bạch của Cô Gái Đồ Long. Hai mắt cứ tròn xoe! Tiểu Triệu Minh vác đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên đi vào đời tôi. Thỉnh thoảng con bé buồn cứa nhẹ vào trái tim cà chớn của Vô Kỵ thử đao thử kiếm thì đành chịu. Hạnh phúc có những điều không thấy được mà phải đổi…

Trong truyện Cô Gái Đồ Long, Triệu Minh học lóm võ nghệ của các môn phái sau khi tóm hết một đám cao thủ của thất đại môn phái mang về ngôi bảo tháp ở kinh thành. Triệu Minh lúc đó chằn lắm. Nhân vật chính phái ai không chịu mang võ công ra đánh với nàng là bị cắt ngón tay! Đến năm 2000 không biết Tiểu Triệu Minh học ở đâu mà mang đến đai đen tam đẳng! Và cũng không biết có thằng nào lẽo đẽo theo “xin ngón tay mang nhẫn” của con bé đã bị chảy máu ngón tay mình. Thật ra Tiểu Triệu Minh chẳng cần luyện võ công thì cũng chết thiên hạ. Cái đám lớn tuổi đi theo hỏi tên, lục số điện thoại trên báo quảng cáo gọi tới tán hưu tán vượn hay những tên chọc ghẹo nàng sống sượng ngoài chợ lạng quạng bị đòn. Tôi nói quá thôi chứ thật sự chưa biết ai hơn ai. Chắc chắn một điều nếu Tiểu Triệu Minh đá Tiểu Vô Kỵ thì tôi thua. Thua xa! Ngọn cước đường quyền của “hắn” khá lắm, cứ như Triệu Minh trong truyện sau ngày được Vô Kỵ đại ca chỉ cho vài thế trong Cửu Dương Chân Kinh.
“Anh vận sức vào tay để em đá. Coi thử đòn này em mới tập có hiệu quả không?”
“Chờ anh tìm viên gạch cho em thử chắc ăn hơn!”
“Không. Em muốn đá vào tay anh.”
“Anh cao sáu feet, đưa tay lên như vầy sao em đá tới.”
Con nhỏ cười.
“Khờ quá! Đưa ngang trước mặt mà đại ca. Coi chừng em quạt bay mắt kiếng.”
“Okie. Tung cước nhẹ thôi. Đá gẫy tay ai đi làm nuôi anh?”
“Xin trợ cấp welfare đỡ đi. Tiểu Vô Kỵ mà kỵ kí gì?”
“Cái mặt mất dạy như anh mà xin trợ cấp chính phủ sao được. Đến nơi cảnh sát gác cổng sức mấy cho vào.”
“Điều đó để em xem lại. Mà Tiểu Cô Nương làm ở đó phải không?”
“Ai?”
You know who…”
Tôi vờ ngay.
“Em đá nhanh lên. Bắt anh đứng tấn hoài mỏi cả chân. Ba em sắp về.”
Con nhỏ tung cước. Tôi vờ thối lui như bị chấn động khi bàn chân nhỏ chạm vào lòng tay mình. Lúc này mới thấy con bé dễ thương hẳn ra khi mặt nó bắt đầu hồng lên vì vận sức. Tôi mong “hắn” đá liên hoàn cước để bắt chân. Rùa lắm thì cũng bắt dính một lần trong mười ngọn cước con bé tung ra. Giật nhẹ cho “hắn” mất thăng bằng để bồng vào lòng…
Có tiếng mở cửa làm Tiểu Triệu Minh mất tự nhiên.
Dad!
Người đàn ông cở ngoài năm mươi bước vào nhà nhìn tôi. Có cái lành lành tự nhiên đến trong căn phòng nhỏ trước đó vốn vui.
“À cậu…”
Ông có vẻ khó chịu nhìn con gái đang mặc võ phục mà trán lấm tấm mồ hôi.
“Chào bác. Dạ cháu là Mai cồ.”
“Mai cồ? Theo lối Việt Nam hay lối Mỹ?’
Tiểu Vô Kỵ chột dạ.
“Sao cũng được bác ạ.”
Người đàn ông lẩm bẩm.
“Cồ! Cồ! Đi đâu cũng toàn là… cồ!”
Rồi bỏ lên lầu. Tiểu Triệu Minh nói nhỏ:
“Anh về đi. Đừng gọi em ở nhà. Ba em không xính tên Mỹ. Còn ông chú thì cứ nói xa nói gần để giới thiệu em cho con của bạn chú. Họ làm ăn chung với nhau. Nhớ nghe đừng gọi em ở nhà!”
Tiểu Vô Kỵ bắt đầu xuống sắc vì tình hành. Tối nay nó mắc nạn khác trong lòng xe thay vì căn hầm bí mật ở Liễu Gia Trang như truyện của Kim Dung.
“Anh kể cho em nghe lúc đó Trương Giáo Chủ làm sao để thoát khỏi hầm?”
“Triệu Minh bị Vô kỵ cởi giày. Con nhỏ tưởng thằng giáo chủ ma giáo sắp làm bậy nên xanh mặt! Vô Kỵ chỉ điểm huyệt tiếu yêu dưới gan bàn chân của Triệu Minh. Con bé hết cười rồi khóc…”
Tiểu Triệu Minh nhìn tôi cười. Con bé Bắc-Kỳ-sinh-trong-Nam này có nụ cười chết thiên hạ [mà tôi chưa kiểm chứng] nhưng tôi chết [là cái chắc].
“Vậy đến năm 2000, giáo chủ Tiểu Vô Kỵ bị em điểm huyệt lại nghe. Ai bảo đại ca nói với em anh chịu nhột không được. Em sẽ cù lét đại ca cho đến khi nào đại ca quỳ dưới chân em!”
Tiểu Triệu Minh đưa ngón tay lên. Tiểu Vô Kỵ xanh mặt.
“Đừng em. Anh nhột quá sẽ đâm ra cáu kỉnh. Lúc đó tính lì xuất hiện thì em chết với anh?”
“Chết mà còn rũ người ta theo. Anh xạo.”
“Ừ thì anh xạo thí mẹ!”
“Ê, ăn nói gì vậy?”
Tôi đổ tội cho đám thơ thẩn ngồi cà phê Factory liền.
“Đâu phải chữ của anh. Anh bắt chước tụi nó sau mấy lần ngồi quán tán dóc và nghe phê bình văn học bằng… miệng!”
“Vậy mà em tưởng mấy ông viết lách thánh thiện lắm.”
“Đừng vơ đũa cả nắm em à. Có chú… có anh… hiền lắm như anh biết.”
“Còn phần đông thì sao?’
“Thấy em là mở máy… Máy tán!”
“Mấy giờ tối nay em ra phi trường đi bay?”
“11:00 giờ khuya.”
“À anh…”
Con bé nhìn thẳng mặt tôi.
“Thiền sư Nhất Hạnh có nói…”
“A! ‘Hãy nhìn thẳng vào khuôn mặt người thân mình…’ ”
“Anh để em nói ‘thật kỹ lỡ mai sau mình không còn cơ hội đó nữa.’”
Tôi thở dài.
“Em nhắc làm gì để buồn thiu. Em bay tối nay qua Luân Đôn. Cuối tuần về lại chứ có đi luôn đâu.”
Tiểu Triệu Minh đưa ngón tay lên môi tôi chận lại.
“Này đừng có thở dài nữa. Đời sẽ khổ! Này đừng đi lết chân trên sàn nhà. Số cực!”
“Còn gì nữa không?
Có tiếng cười nho nhỏ.
“Này, đừng hỏi em có e_mail của ai tán em không gởi cho anh đọc với!”
Có ai chạy xe qua làm Tiểu Triệu Minh ngại.
“Đây là Bolsa. Cái nhà băng này người mình hay đến lấy tiền. Ngay cả buổi tối.”
“Để anh chạy xe đi chỗ khác.”
Con nhỏ lém lỉnh.
“Giờ này Trương Giáo Chủ lọt xuống hầm rồi. Bên trên người trong Minh Giáo không biết đâu mà tìm. Kẻ hầu cận của ta cũng tưởng bản cô nương đi chơi nên bỏ nhà vào kinh thành. Giáo chủ chịu khó ngồi đây điều công vận sức. Vài ngày nữa sẽ có người mở cửa hầm khi bộ hạ ta đến.”
“Em nói như thiệt. Anh muốn ra khỏi xe giờ nào không được.”
“Chìa khóa em giữ rồi. Đại ca ngồi chơi với em đến giờ em đi bay. Từ đây đến John Wayne Airport bao lâu?”
“Hai mươi phút.”
Tiểu Triệu Minh nhìn tôi. Đôi mắt con bé đen láy như sáng lên trong bóng tối lòng xe.
“Em muốn điểm huyệt để hai tay đại ca cứng đơ. Rồi em ngồi vào lòng đại ca nhìn cho rõ khuôn mặt.”
Tiểu Triệu Minh đưa ngón tay cù lét tôi. Nó biết yếu điểm của thằng Vô Kỵ thời mới nên vận nội lực vào ngón tay điểm huyệt nhột!
“Ngồi yên. Em được quyền mở nút áo anh để cù lét nhưng… nhưng anh không được làm như vậy với em!”
Có hơi thở nóng nơi vành tai. Con bé nhảy vào lòng thằng Vô Kỵ, mặt đối mặt.
“Em tin anh vì em tin và thương trẻ con. Những điều còn lại đại ca tự figure it out.”
Đèn chiếc xe nào chiếu qua làm hai đứa giật mình. Tiểu Triệu Minh thả lơi vòng tay tay quanh cổ Vô Kỵ.
“Xe phú lít! Chết rồi nó hỏi giấy thì làm sao anh?”
“Nhiều nhất là bị giấy cảnh cáo hay giấy phạt. Bằng tiền trả chạy xe quá tốc độ là cùng.”
Tôi nhìn sang bên phải thấy chiếc xe Ford. Ở xa quá ngó như chiếc “black and white” của cảnh sát thành phố này.
Tiểu Triệu Minh ngó ra hướng khác. Con nhỏ hơi sợ. Vẻ lém lỉnh thường ngày biếng mất khi “hắn” nghe tiếng mở cửa xe bên kia. Tôi biết nó ngại nên nói nhỏ trấn an.
“Không phải cảnh sát đâu.”
Tiểu Triệu Minh nằm luôn xuống ghế xe. Tôi vờ tỉnh bơ nhìn quanh. Có tiếng nói nhỏ.
“Em quên mất chỗ này không ổn. Đậu trước nhà băng người ta cứ tới lui rút tiền dầu đã sau giờ làm việc.”
Con bé ngước đôi mắt đen nhìn thằng Vô Kỵ “trẻ con”.
“Bữa nào kể em nghe tiếp làm thế nào Vô Kỵ ra khỏi căn hầm bí mật ở Liễu Gia Trang. Gặp trường hợp đại ca bị như vậy thì sao?”
“Anh sẽ gọi điện thoại mua ‘cơm chỉ’ để sống với em hoài như vậy. Khỏi bị phiền toái vì người lớn như em đang bị quấy rầy, như anh đang bị trù ẻo.”
“…”
“Nhưng mà em nằm xuống đi. Hình như có người đang tới xe mình.”
“…”
“Chết bà. Chú em!”
Con bé vẫn nằm yên trên ghế xe nhưng quả quyết hơn như trong lời nói. Giờ “hắn” trở lại là quận chúa Tiểu Triệu Minh, lém lỉnh nhưng quả quyết.
So what! Chạy đi đại ca…”

An Phú Vang
29 tháng 3, 00

* Thơ Nguyễn Đức Sơn

October 15, 2010 - Posted by | * an phú vang, * Góc Nhỏ An Phú Vang, * TIỂU TRIỆU MINH, * Truyện

1 Comment »

  1. Reblogged this on Q U Y Ê N BO OK.

    Comment by nguyennaman | August 23, 2021 | Reply


Leave a comment