nào nghĩ một ngày

nào nghĩ một ngày
[ Gửi Trần Ngọc Anh, Nguyễn Xuân Hiệp ]

nào nghĩ một ngày râu tóc bạc
nhưng đã ngồi đây ngó đời đi
bây giờ sớm sớm cà phê đó
bè bạn xa mà tình cũng đôi khi

đã chạy lên Kings Canyon đứng ngó
cổ thụ ngàn năm bộ hồn ta
mới sáu mươi hơn mà trơ đá
tập dần quen dăm thuốc lạ qua ngày

bài thơ đã viết buồn trang sách
đời-thương-em-giận đó ô hay
một ngày ta vất dăm thùng có
như vất hồn ta một thuở say

chữ viết nơi đây, chữ đường xa bè bạn
bài thơ trên tường nhà, trong tập chở tai ương
em có hỏi tôi một đôi lần ai đó
đứa bé di tản trên đường ngày đất nước tan thương!

nào nghĩ một ngày ta vất sách
để chìu tình, em ạ vẫn tình tang ./.

Ng~NamAn
[ Oct 6, 2020]

October 8, 2020 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment

Nguyễn Nam An – Một ngày

Một ngày

Buổi sáng thức đây lên thị trường coi chứng khoán 
Đỏ đỏ xanh xanh những hàng số đó qua nhanh
Màn ảnh ti vi sao nghe hoài “covid” cúm 
Chích ngừa và hai năm che mặt đời “khẩu trang” anh 

Hy vọng chút xanh cho em thơ còn được sống 
Cho mẹ an toàn ngày rời “nursing home”
Cho em thôi giận anh để sớm mai cà phê đắng 
Không đường mà nghe vẫn ngọt, ngày xanh 

Coi lại số quân nhớ ngày đi, bỏ súng 
Nghe bài viết ai, ai đọc chợt xót xa 
Ai “Lôi Hổ” rã ngũ về Sài gòn đi chân đất 
Từ miền Trung tìm lại mẹ quê nhà 

Xót xa quê hương cuối một đường mây trắng xoá 
Bốn bảy năm bỏ ngũ không từ biệt quê nhà 
Đi, như đi trên mây, “tiếng Việt người ta lạ!” 
Đâu đó một chỗ về vẫn còn đó quỉ ma! ./.

Nguyễn Nam An

June 8, 2022 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment

Dương Nổ – thơ Dương Nổ

Câu lục bát lục cửu chừ 
Buồn như đất nước lừ đừ phận nhau 
Ngó về quê quán nay đâu 
Truyện Kiều và Nguyễn Du cau cau nhìn./.

Dương Nổ

June 8, 2022 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment

Hi Yên – BARCELONA

BARCELONA

Em nằm phơi giữa trần ai
Biển xanh cát trắng nắng say… chạm lòng

Vàng hoe lọn tóc phập phồng
Bừng bừng nhựa sống căng vòng ngực tươi!

Anh từ ngàn dặm ghé chơi
Bỗng nghe rạo rực giữa thời tóc phai…

Barcelona, Barcelona
Cámơnemnhữngngàyvui.

Hi-Yên

Barcelona, Spain

NG04T06N2022

June 7, 2022 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment

Phan Nhật Nam – Thơ Haiku Người Nhật/Tấm lòng Nam Nhân

Thơ Haiku Người Nhật/Tấm lòng Nam Nhân

Đại Sư Basho (1644-1694) chuyển những Công Án Thiền nên thành Thơ Haiku theo “cấu trúc 5-7-5”, trình bày những hình ảnh, sự vật, việc không liền lạc gì với nhau (theo nhận định thông thường). Tuy nhiên, mỗi người đọc cứ thong dong tham dự tùy theo ”tâm lượng” của mình. Từ thân, ý, tình đơn giản của bản thân, Haiku cũng tương tự như “Đêm qua ra đứng bờ ao..” của người Việt. Chỉ khác Haiku có 17 chữ chia làm ba giòng: 5-7-5 – Khác với Lục/Bát của người Việt-14 chữ viết thành hai giòng 6-8. Tại sao Lục/Bát/Người Việt 14 CHỮ chia thành HAI giòng, và Haiku Người Nhật/17 CHỮ chia thành BA giòng thì chỉ do “thuận duyên” mà thành, mỗi Dân Tộc có Tính và Hạnh khác nhau. Chẳng nên thắc mắc. Người viết trong cảnh hỗn loạn hiện tại, không thể làm gì hơn là làm Haiku/Lục-Bát. Làm chơi cho vui kiểu như Bùi Giáng trước kia. Cũng nên chân thực nói thêm, những chữ, lời đơn giản từ Haiku là viết cho hết thảy chúng ta trong đời sống bình thường, chứ không gì sâu xa, bí hiểm. 

1-Vốc tuyết nhỏ mái hiên

    Êm êm rơi lặng thinh trắng xóa

    Hòa tan thành âm điệu

   (Issa,1763-1827)           

    Hàng hiên nắm tuyết rơi im

    Lắng nghe âm sắc lặng thinh tuyệt mù

 2-Mặc lên tấm áo mới

     Ồ lạ lẫm khác biệt làm sao

     Cứ như một ai đó

     (Basho, 1644-1694)

     Xỏ tay áo mới lần đầu

     Thấy ra như thể một người nơi đâu?

3- Gió đầu năm thổi tới  

    Ngọn lửa đèn dầu nơi phòng tắm

    Chập chờn leo lét soi

    (Oemaru, 1720-1805)

    Đầu năm gió lạnh thổi dồn

    Đèn dầu phòng tắm chập chờn lặng im

4- Chào em, chim sẻ nhỏ

    Trên hàng hiên sạch đẹp nhà tôi

    Dấu chân in lấm chấm

    (Shiki, 1866-1902)

    41/ Chào em chim sẻ mến thương

          Dấu chân để lại nhẹ như sương mờ  

    42/Sẻ ơi để lại hiên nhà

         Chân em in dấu mù sa nhạt nhòa

5-Thương người nữ không con

     Dịu dàng thay bàn tay chạm tới

     Búp bê bày bán son.

     (Ransetu, 1654-1707)

     Thương thay người nữ không con

     Ngón tay khẻ chạm dạng hình búp-bê   

6- Đá băng và giòng nước

    Khác nhau từ bao lâu thuở trước

    Cùng rơi giọt vô âm

    (Teishitsu, 1610-1673)

     Đá băng kia với giòng nầy

     Cùng nhau rơi lặng giọt thầm vô thanh 

7- Dẫu lũ to, mưa lớn

    Tẩy xóa thế nào Phú Sĩ Sơn

    Xuống bùn hồ nhỏ hẹp

    (Buson 1715-1783)

    Lũ to, mưa lớn thế nào

    Làm sao tẩy xóa cao vời Đại Sơn

8- Đầu năm được giấc mơ

    Giữ kín như một điều cẩn mật

    Cười thầm riêng một mình

    (Sho-U, (?) )

    Đầu năm nằm thấy giấc mơ

   Cười thầm giữ chặt một điều riêng tư     

9- Bầy ngỗng hoang trở về

    Cớ sao gào tiếng kêu ầm ĩ

    Vang động vỡ đêm trường

    (Roka, 1672-1703)

    Ngỗng hoang ngờm ngợp bay về

    Tiếng kêu vang động đêm trường âm u  

10- Rơi tuột xuống đất đen

      Cánh diều sau nhiều lần tung gió

      Hẳn diều chẳng còn hồn

      (Kubonta, 1889-1963)

      Hỡi ơi rơi xuống đất đen

      Cánh diều còn giữ linh hồn được chăng  

Cali, 6 Tháng 6, 2022

Giữa ầm ĩ biến động chung quanh

Phan Nhật Nam

June 7, 2022 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment

Dương Nổ – Chè Truồi

Chè Truồi

O Thí từ ngoài Huế vào ở tạm nhà bác Đí. Không biết chồng O đâu nhưng O có con, thằng Bù và chị Cứt! Tên con gái của O độc địa thật. Khó nuôi sợ ông bà “bắt” nên O đặt tên con như thế. O Thí nghèo như người em mình nên đi bán lặt vặt ngoài chợ Đống Đa để sống. O bán chè xanh. Chè Truồi. Tên gọi như vậy vì chè trồng ở ngoài Truồi, xuất xứ từ đó. Ngày ngày hai mẹ con mua sĩ chè người ta mang vô từ Huế ở bến xe Huế – chợ Cồn; gánh về, đem bày ra hiên nhà bác Đí rồi qua giếng nhà bác tôi xin nước, rữa sạch lá, cột lại từng bó nhỏ đợi mai mang ra chợ Đống Đa bán kiếm tiền đắp đổi qua ngày. O hay mời mạ tôi mua mở hàng. Từ đó mạ tôi ghiền uống loại chè xanh lá từ vùng Truồi này.

Một bữa dì út tôi đem cái bình đựng nước chè ra rữa, kỳ cọ sạch lắm. Dì tôi có tính cẩn thận, thấy đồ dùng trong nhà dơ chịu không nổi nên thường làm. Vừa làm dì vừa nói như cằn nhằn. Tôi nghe hoài quen rồi nên mỗi lần thấy dì ngồi trước hiên rữa ly rữa tách là tôi lo chạy chỗ khác vì sợ dì kêu tới, chỉ cho cách làm. Mạ tôi nhìn cái bình dì mới rữa sạch sau khi kỳ cọ bên trong lẫn bên ngoài thích lắm. “Như mới đó Thìn.” Thìn, tên gọi trong nhà của dì út tôi. “Tao nấu nước sôi chế chè Truồi xanh uống nghe.” Vừa nói mạ tôi vừa lấy tay vò những lá trầu còn xanh bỏ vào bình. Nước sôi, mạ tôi xách ấm chế từ từ vào bình chè chờ cho lá ngấm nước. Lúc sau mạ rót từ ấm nửa ly chè xanh, đưa dì ngắm nghía. Dì nói nước xanh quá rồi để sang bên. “Chưa ăn chi uống vào say chết!”

Thuở đó mạ tôi còn nhuộm răng đen nhánh để ăn trầu. Trong nhà có cái bình vôi. Lâu lâu “ông bình vôi” bị đầy, mạ mang lên ngã ba ông Trạng [ khúc đường Đống Đa – Gia Long nối dài ] nơi có những ngôi mã ai chôn từ thuở nào gởi “ông bình vôi” ở đó. Mạ tin điều gì đó người lớn trong gia đình nói cho biết. Tôi nghĩ là bà ngoại chỉ cho mạ cũng như hai dì mà chưa có dịp hỏi mạ. Hàng xóm cứ ghé qua ăn trầu và uống nước chè Truồi nên hiên nhà tôi vui lắm. Một bác người Huế cứ gọi mạ tôi là “Con mệ Ba ơi. Cho tao miếng trầu!”; rồi bác trai tôi, O Thí, bác Lăng bên xóm Lục Lộ, O Cẩn ở đầu ngỏ. Đến một lúc hàm răng đen nhánh không còn hợp thời nữa, mạ tôi đi nha sĩ cạo bỏ nhưng vẫn ăn trầu. Dĩ nhiên nước chè xanh Truồi không thể thiếu như trong bữa cơm phải có trái ớt cay của phần đông người Huế.

O Thí có cái “ra dô”. Mùa hè khi O và hai đứa con ngủ ngoài hiên, O ru giấc ngủ bằng cải lương của đài phát thanh Sài gòn. Tôi nghe riết rồi quen chương trình gia đình bác Tám, cải lương đoàn Dạ Lý Hương. Mái tôn nhà bac Đí gần đụng mái hiên nhà tôi. O Thí ngủ ở đó những khi trời không mưa, mở “ra dô” nhỏ mấy, bên này tôi cũng nghe. Mà O thức khuya lắm. Cứ nghe tiếng O quạt cái quạt giấy rồi tiếng trở mình. Con Cứt ngồi bên ngoài mùng, vấn điếu thuốc Cẩm Lê to bằng ngón tay lập bập. Mùi khói thuốc bốc lên khét lẹt! “Răng mi chưa ngủ mai đi bán?” “Nóng quá mạ ơí”. “Ời.. Ông trời làm chi mà nóng hừng hực!” Miền Trung cuối năm thường mưa bão. Những tháng đó gia đình O Thí, một mẹ và hai con phải di tản vào phía trong gần nhà bếp để đụt tránh mưa và ngủ đêm cho khỏi ướt. Thấy O khổ quá nhưng gia đình bác Đí, em O, quá đông người; không còn chỗ nào để chứa thêm.

Góc ngã ba Lý Thường Kiệt và Đống Đa, sát với hang rào “dây thép bay” thiên hạ lén lén đổ rác ở đó. “Dây Thép Bay” tên không có trong giấy tờ của xóm là một khu đất rộng, chạy từ ngã tư đường Lê Lợi – Nguyễn Du đến Đống Đa – Nguyễn Du; chạy xuống Đống Đa – Lý Thường Kiệt và Lý Thường Kiệt – Lê Lợi. Một khu đất hình thang bao bọc bởi bốn con đường nói trên được dành cho bưu điện với ba cột ăng ten cao chống trời, bên dưới cỏ lau mọc đầy không ai cắt. Chỗ thiên hạ mang rác tới đổ bất hợp lệ mặc dầu có bảng “cấm đổ rác” nhưng dần dần rác cao lên, ruồi nhặng bay đầy không chịu nổi khi đi ngang qua đó. Mỗi tuần Cứt hay giúp mang rác của nhà bác Đí và nhà mạ tôi ra đó đổ. Cứt đi buổi tối cho người ta khỏi thấy. Về lại mạ tôi thường dúi vào tay Cứt chút ít tiền hút thuốc Cẩm Lệ.  Mạ nói tội hắn. Lớn rồi mà cứ bị kêu là Cứt! “Vậy tên thật là chi?” “Mạ mô biết. Hỏi O Thí đi.”

Mạ con O Thí làm đủ nghề. O gắng cho thằng Bù đi học ở trường Hồ Đắc Hanh. Được một năm, năm sau O không có đủ tiền đóng niên liễm phụ huynh học sinh. Bù ở nhà, lang thang trong xóm vô bờ vô bến. Cứt thì không biết chữ; niềm vui chỉ còn nghe tuồng cải lương từ “ra dô” với mạ mình, hút thuốc lá Cẫm Lệ hay coi tivi ké của nhà hàng xóm. Vậy mà Cứt có vẻ vui, an phận. Dầu sao cũng đỡ hơn ngoài Huế sau Tết Mậu Thân; không biết làm chi để sống!

Thuở đó tôi và mấy đứa trong xóm gọi tên con sông chảy qua thành phố Đà Nẵng bằng tên con đường chạy dọc bờ sông, đường Bạch Đằng. Nhắc lại vẫn là “sông Bạch Đằng” dầu trên bản đồ địa lý là sông Hàn. Tôi đi câu cá sơn không biết sao hên giật trúng con cá dìa. Con cá dính lưởi câu lạng qua lạng lại tuyệt vọng dưới nước. Mừng quá tôi kéo cá lên la om xòm khoe thành tích. Đang cắm cúi gở cá khỏi lưởi câu tôi cảm thấy cái cần của mình bị ai giật giật. Hai thằng bụi đời, tay cầm hộp đánh giày, tay kia đang kéo cái cần câu của tôi định “chôm”. “Ê làm gì vậy?” Hai thằng nó ngó tôi. Tôi với thằng bạn kênh lại. Coi giò coi cẳng tụi tôi có lẻ hai thằng bụi đời nghĩ đánh không lại nên chửi thề bỏ đi. Em tôi nói thằng Bù cũng muốn đi làm như rứa. Đóng cái hộp nhỏ, đựng đồ nghề đánh giày. “Giởn chơi mi. O Thí đánh hắn chết!”

Ngày sư đoàn 3 Bộ Binh đổi vùng về chịu trách nhiệm khu vực tỉnh Quảng Nam anh họ tôi vẫn còn ở tiểu đoàn 3 Quân Y. Trận Thường Đức bùng nổ, anh tôi dọt về hăm bốn tiếng rồi hấp tấp trở lại đơn vị. Anh gặp thằng Tiết con ông Tình và Bù. Hai đứa tình nguyện đi lính sư đoàn 3 hồi nào không biết. “Tao kéo ra nói nhỏ bảo về đi. Về đi không thôi chết mẹ.”

Mấy muơi năm sau nghe tin O Thí qua đời;không biết chôn ở đâu, Huế hay Đà Nẵng. Giờ tôi mới biết tên thật của Cứt là Cúc. Em tôi nói Cúc cũng chết. Chỉ Bù có vợ và ba con, ở bên kia “sông Bạch Đằng”. Gia đình em O Thí, bác Đí cũng tan nát. Nước mất nhà tan, những người dân xóm tôi. Chợt nghĩ vì sao bức hình chụp ly chè Truồi thằng bạn thân chụp ngay ở Truồi gởi sang cho coi không còn màu xanh của chè xanh trong trí nhớ!

Dương Nổ

June 5, 2022 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment

Nguyễn Nam An – Mây bay hoài [Chiến tranh khỉ thiệt!]

Mây bay hoài [Chiến tranh khỉ thiệt!]


Tao gọi năm này năm “cọp đẻ!” 
Trước Tết đến giờ chưa gặp nhau 
Tình thôi như lá khô đầu gió
Chúm môi em thổi rụng cơn sầu 

Tao gọi năm này “năm ngưng bắn”
Hoà ước đôi lần xâm phạm chơi 
Bây giờ mỗi đứa riêng chới với 
Lạnh! Ngủ một mình, ráng chịu thôi 

Tao gọi năm này “năm không hết” 
Mẹ già bên đó với bên đây
Đi ở đời nhau xa xôi đấy
Sài gòn mười mấy tiếng mây bay

Tao gọi tình tang “thôi hết chuyện” 
Chiến tranh! Con khỉ thiệt thêm sầu 
Nơi đây ngồi ngóng sao em thấu 
Mây bay hoài dừng ở nơi đâu./.

Nguyễn Nam An

June 4, 2022 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment

Nguyễn Nam An – Giữa mênh mông

Giữa mênh mông

Ta phí đời ta nay sắp hết 
Trơ trọi nhìn quanh đó muộn màng 
Sáng sáng bây  giờ sao năm tháng 
Theo đời vùn vụt thuở sang trang

Lính tráng nghe buồn câu chuyện nãn 
Nửa đời ơi hỡi nửa đời tan
Mà trong ký ức còn năm tháng
Giật mình thức dậy mộng tan hoang 

Bây giờ có lúc nghe xương cốt 
Đã mệt lắm khi bước theo tình
Đã nghe trăn trở thôi đừng nhớ 
Đã không là gì giữa mênh mông 

Mà lại chạy quanh lòng vòng tiếc 
Người đi thiệt? Giả? Có về không? 
Người đi lòng trống ba lô trống 
Giật mình! [ Thiên hạ hỏi có? Không? ]

Hôm nay cuối tuần trông mây trắng 
Phương nào trôi nổi đó cô nương
Đã lở “dù bung” anh nương nấn
Và lở “tan hàng”, vẫn đó, thương ./.

Nguyễn Nam An

May 29, 2022 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment

Nguyễn Nam An – khổ qua 

Nguyễn Nam An – khổ qua 

Đến khi trái khổ qua đầu 
Trên giàn kết trái tình đâu mất rồi 
Anh ngồi tưới nước làm vui
Mà em như lệ khóc người đó đây./.

Nguyễn Nam An

https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/no_photo.png

May 25, 2022 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment

Dương Nổ – “Tưởng rằng đã quên*”

 “Tưởng rằng đã quên*

Ngày ở phòng tạm giữ của Quân Cảnh đường Đống Đa cu Đí ghé thăm tôi. Hắn nhá cạnh mấy trăm bạc trúng số đề, dúi vào tay tôi rồi nói “Mi cầm tiêu đỡ. Tao mới trúng… được bảy trăm.” Khi cu Đí đi rồi tôi mới biết hắn đưa tôi sáu trăm năm mươi đồng! Còn năm mươi đồng đánh tiếp cầu may! Bạn tôi, như phần đông những người ghiền cờ bạc đều như vậy. Viết ra thế để thấy cái tình láng giềng của cu Đí và tôi. Gia đình nó cũng hoàng tộc nhưng đâu có giàu sang gì. Không có gạo nấu cơm mỗi bữa. Nhớ lại nhiều khi bác Đí gái phải qua mượn gạo mạ tôi!

Tôi đi từ dạo đó. Đi luôn mười bảy năm không gặp mạ mình. Đến khi mạ và các em qua, một hôm đứa nào trong nhà nói “Cu Đí con bác Đí bị bịnh nặng!” Tôi liên lạc với em, một bác sĩ đang hành nghề trong nước nhờ giúp. Em đã đến xóm, coi như làm việc thiện, chuyển tiền tận tay anh họ tôi dân tiểu đoàn 5 Dù.

Email đây này dầu em vẫn còn xưng tên: “Anh à, chân V còn đau nên hôm nay V nhờ Nam mang tiền gởi anh Phước và đã hỏi số đt anh Long rồi: 0905767106. Anh Phước cám ơn anh nhiều :-).”
Con bé nói đi vào kiệt nhà ba mạ tôi, vô ý bị trượt nên trặc chân! Sau lần đó em lại giúp chuyển tiền cho cu Đí để chữa bịnh. Được ít lâu cu Đí chết vì bịnh gan!

Tưởng đã quên đến khi em và tôi đứng trước sân nhà ba mạ tôi mà hai đứa em đã phá ra xây lại thành hai căn, bán lại cho ai đó. Tôi vừa nói vừa chỉ cho em chỗ phòng học của mình một dạo. Cái phòng nhỏ cạnh sân sau nhà bác tôi.

Mấy đứa con bác Đí tụ lại ở hiên nhà nhìn tôi với em. Con bé Ngọng em cu Đí trả lời khi tôi hỏi nó: “Mi còn nhớ tao không?” “Em nhớ mà! Khổ quá anh ơi.” Tôi nhìn con Ngọng không biết nói chi! Con gái Em, ngang tuổi tôi, chị ruột cu Đí cũng đứng đó. Mà sao tôi thấy nó nhỏ hẳn ra. Dúi vào tay hai đứa chút quà rồi tôi với em đi ra phía đường Nguyễn Du. Hai đứa đi nhanh nhu sợ hiện tại của xóm xóa nhòa hình ảnh cũ trong ký ức tôi. Cũng tưởng đã quên rồi chuyện cu Đí nhưng một đứa bạn hàng xóm khác kể lại. “Mi ( tui đó ) đánh lộn với cu Đí lúc còn bé. Thằng cu Đí mạnh quá, vật mi xuống đất. Tao muốn nhào vô can mà sợ can không nổi nên lấy cát nén vào mặt cu Đí.” Bạn tui khôn thiệt! Cu Đí phải thả tui ra để dụi mắt trong lúc bạn tui sợ hắn đui!

Em để tôi dẫn đường vì biết tôi còn nhớ như in con xóm sau bao nhiêu năm. Đi hết kiệt 1, ra gặp đường Nguyễn Du, rẽ phải. Đi chừng hai trăm thước đến nhà ông lục sự, ba con bạn cùng lớp với em ở Pascal – Nguyễn Hiền. Đi hết đường kiệt bên hông nhà này là đến nhà Trung, thằng bạn ấu thời của tôi. Nó chết ở Tuy Hòa xác tìm không ra từ tháng 4 năm 1975.

Đường kiệt này những trưa hè xa xưa đó, anh Bổng láng giềng nhà Trung, Phước B nhà trong trại của Kho Y Dược 711 Quân Y, Trung, em nó và tôi tụ lại đánh đáo. Ồn quá, thằng Bảy ở nhà ông lục sự ra đuổi! “Hàng xóm láng giềng đang cần sự yên lặng để ngủ trưa!” Ông lục sự bị mất giấc ngủ, ra đứng ở hàng hiên, một tay cầm chai bia con cọp ướp lạnh ( tôi đoán vậy ), tay kia kéo cái áo thun trắng, ngữa cổ tu mộ hơi. Đã thiệt trong cơn gió nóng mùa hè miền Trung!

Tôi lớn lên ở xóm đó, đi xa hơn nửa đời người nhưng có nhiều điều, khi nhớ, nhớ từng chi tiết. Về đứng đó mà nao nao, em hiểu nên nắm tay tôi. Hai đứa chờ tiếng trả lời từ căn nhà tôi nghĩ của mợ Trung sau khi gọi cửa.

Tưởng rằng đã quên khúc đường Gia Long nối dài và ngã ba ông Trạng khi trại Nhập Ngũ số 1 không còn nữa. Nhưng nhà cũ của ba má em ở gần đó, từ những năm trước 1975 mà hai đứa không biết nhau. Chỉ nghe bạn bè xì xào sau này giữa dân học chung lớp ở trường Phan Chu Trinh: “Hoa khôi Nguyễn Hiền!” Cũng như lời giới thiệu của em gái thằng bạn học: “Hắn khác với mấy đứa khác nổi tiếng trong lớp. Bi chừ vẫn đẹp. ” Tôi tin liền không thắc mắc dầu xa lắc tận Sài gòn có gặp được đâu!

Ba má về Nam, em về Nam! Người chị lớn thừa hưởng ngôi nhà và mở quán cà phê Khúc Thụy Du! Tên quán như tên một bài hát phổ thơ vọng về từ ngoài nước. Quán nho nhỏ, sáng hai đứa ngồi nhìn ra cổng, nhìn cây trái xanh xanh. Đây là đất vườn của ông triệu phú tên Đức từ những năm sáu mươi. Sau đó thấy dân chúng đổ xô làm nhà.

Tôi thích khoảng đất nhỏ nhưng xanh màu cây lá này. Một lúc Trần Ngọc Anh tới; Đặng Xuân Sơn tới, Lê Đình Phước B, và Thuận bạn thằng em cũng tới. Bè bạn thân yêu trong xóm và đội bóng rổ ngày nào của sân trường Phan Chu Trinh còn chừng này. Nói ra mới biết em và tôi có những người quen chung!

Tưởng rằng đã quên nhiều thứ lắm nhưng thỉnh thoảng lại thấy trong giấc ngủ. Em gọi “anh ơi! anh ơí” lo lắng lại thấy càng thương. “Quá khứ đã qua rồi”, em nhắc tôi. Gật đầu để em vui nhưng em biết có những diều không thể quên. Như “anh thương em!” ./.

Dương Nổ
May 24, 2022

*Mượn chữ Trịnh Công Sơn

May 24, 2022 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment

Nguyễn Nam An – Em Nhỏ Duy Xuyên

Nguyễn Nam AnEm Nhỏ Duy Xuyên

Không phải tự nhiên mà đất rung
Anh nói điều gì trúng ngay yếu huyệt
Bây giờ quay lui vẫn còn hối tiếc
Mất bao tháng ngày tay đó trong tay

Không phải tự nhiên mà mùa xuân
Để cây ớt đơm bông kết trái
Tưới nước mỗi sáng anh nhìn thôi không hái
Xinh trong tay cay xé biết lúc nào

Muốn nói rằng bỏ hết đi thôi
Hôm nao quá khứ, hôm qua cũng quá khứ
Đời được bao lâu thì vui cho đủ
Khi thấp thoáng tóc nhuộm hoài em nhỏ anh thương ./.

Nguyễn Nam An
May 22, 2022

May 22, 2022 Posted by | * Uncategorized | Leave a comment